Chủ Nhật, 8/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 12/11/2021 23:9'(GMT+7)

Đưa Giải thưởng Sách Quốc gia thành thước đo về hiệu quả, chất lượng của công tác xuất bản

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Tối 12/11, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư - năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đã diễn ra trang trọng, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương, tác giả, nhóm tác giả; dịch giả, nhóm dịch giả; các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết xuất bản...

NHỮNG NÉT MỚI CỦA GIẢI THƯỞNG NĂM 2021

Báo cáo về Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cho biết, mặc dù trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư vẫn được tổ chức, triển khai theo đúng Điều lệ, Quy chế của giải và có những nét mới:

Một là, tham dự giải lần này có 47/59 nhà xuất bản tham gia với 284 bộ sách và tên sách, gồm 365 cuốn. So với mùa giải lần thứ ba, mùa giải lần này ít hơn 1 nhà xuất bản tham gia, nhưng nhiều hơn 29 bộ sách, tên sách và 3 cuốn sách.

Hai là, để bảo đảm lực lượng và chất lượng của các hội đồng chấm giải, Ban Tổ chức đã sớm rà soát, bổ sung, thay thế một số thành viên các hội đồng do điều kiện thời gian và sức khỏe. Đồng thời, để tạo nguồn cho các mùa giải sau, Ban Tổ chức đã mời một số chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, phù hợp với các chuyên ngành sách tham gia, tăng thêm số lượng thành viên chấm giải trong các hội đồng so với các mùa giải trước.

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo báo cáo về Giải thưởng lần thứ tư.

Ba là, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hơn mùa giải trước, nên quá trình xem xét, bàn thảo chấm giải, các hội đồng thường xuyên sử dụng hình thức trao đổi qua điện thoại, thư điện tử, nhất là trong trường hợp còn những vấn đề cần phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm đánh giá đúng, chính xác và công tâm. Các bản nhận xét, đánh giá, thẩm định cụ thể hơn, chi tiết hơn các mùa giải trước. Các cuốn sách được đề nghị Giải A còn phải qua khâu phản biện kín để bảo đảm sự công tâm, đánh giá chính xác.

Số lượng sách tham dự giải năm 2021 tập trung nhiều vào các mảng sách nếu xếp theo thứ tự là: Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật (có 74 tên sách và bộ sách, gồm 94 cuốn); Chính trị, Kinh tế (có 64 tên sách và bộ sách gồm 77 cuốn); Khoa học xã hội và Nhân văn (có 62 tên sách và bộ sách gồm 71 cuốn); Khoa học Tự nhiên và Công nghệ (có 57 tên sách và bộ sách gồm 61 cuốn); Thiếu nhi (có 27 tên sách và bộ sách, gồm 62 cuốn). Ngày 15/10, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư đã xem xét và bỏ phiếu, thống nhất trao giải cho 24 cuốn sách và bộ sách, trong đó có 02 giải A, 09 giải B và 13 giải C.

Bốn là, nét nổi bật là mảng sách thiếu nhi tuy số lượng không nhiều so với các mảng sách khác, nhưng thể loại khá phong phú, chất lượng được đánh giá cao hơn so với những năm trước. Trong mùa giải này, sách Thiếu nhi chiếm 1 Giải A, 4 Giải B, 2 Giải C trong tổng số 25 giải. Điều này cho thấy mảng sách Thiếu nhi năm nay có nhiều khởi sắc, được sự quan tâm của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách. Kết quả đó cũng cho thấy Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã giành nhiều sự quan tâm đến mảng sách thiếu nhi, thiết thực góp phần vào công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, việc làm cần thiết quan trọng để hướng tới tương lai tốt đẹp của nước nhà.

MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia, nhìn chung, các cuốn sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, Giải thưởng Sách Quốc gia cho thấy vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục ở những mùa giải sau. Hiện vẫn còn 12/57 Nhà xuất bản chưa chọn lựa được các đầu sách tham dự giải thưởng. Trong các tác phẩm được lựa chọn trao giải năm nay, số đầu sách dịch chiếm tỷ lệ cao hơn mùa giải trước (Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba có 7/27 tác phẩm; lần thứ tư tỷ lệ này là 9/25 tác phẩm). Có mảng sách chưa lựa chọn được Giải A trong những mùa giải gần đây. Trong các tác phẩm đạt giải cao còn thiếu vắng các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm văn học trong nước, các tác phẩm về công nghệ thông tin ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội…

2 cuốn sách đạt giải A:

Tác phẩm “Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người” của Giáo sư địa lý học người Mỹ Jared Diamond, do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, với cách tiếp cận mới hoàn toàn khác với các nhà sử học truyền thống trước đây về lịch sử thế giới, đã cung cấp một lược sử về các xã hội của loài người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lịch sử ở mỗi châu lục lại diễn ra khác nhau?”.

Tác phẩm Chang hoang dã - Gấu của tác giả Trang Nguyễn - Jeet Zdung là cuốn truyện tranh rất đặc biệt về chủ đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã. Thông qua câu chuyện cô bé Chang cứu giúp gấu con Sorya mới hai tuần tuổi trở về với rừng, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc trẻ khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp và kỳ thú với rất nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương, hướng các em đến lối sống và hành xử nhân văn, hòa hợp với thiên nhiên.

GÓP PHẦN NÂNG CAO DÂN TRÍ ĐỂ VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM THỰC SỰ TRỞ THÀNH SỨC MẠNH NỘI SINH

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, dịch giả và các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã đạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư, đồng thời đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và những người làm công tác xuất bản đã chung tay để tổ chức thành công Giải thưởng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hoạt động xuất bản của nước ta đã có được những kết quả rất quan trọng. Qua 4 năm tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng chuyên nghiệp, trở thành giải thưởng uy tín của ngành xuất bản; góp phần động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên soạn sách; động viên sự nỗ lực của các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách trên cả nước trong sàng lọc, chuyển tải các quyển sách hay, bộ sách hay, sách tốt đến bạn đọc.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Giải A cho các tác giả, dịch giả và nhà xuất bản.

“Những cuốn sách được lựa chọn trao giải là những cuốn sách có chất lượng cao về tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thành động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác xuất bản trong thời gian tới, đồng thời để Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị, văn hóa, tư tưởng của đất nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan quản lý cùng những người làm công tác xuất bản trong cả nước, các nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, ngành xuất bản cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Không ngừng đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác xuất bản trước yêu cầu mới của đất nước. Các cơ quan chủ quản cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng chính trị, tư tưởng cho hoạt động xuất bản và quản lý hoạt động xuất bản, bảo đảm hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động xuất bản, những vấn đề tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản, tạo ra động lực  khuyến khích cho ngành xuất bản phát triển.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Giải B cho các cá nhân, nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản.

Hai là, cần phát huy tính chủ động của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả khắc phục khó khăn, thách thức để sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, mà trọng tâm là góp phần khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, khát vọng và giấc mơ phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân ta. Đồng thời, cần chú trọng đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng về chính trị như sách có nội dung tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới Quốc gia; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; sách có thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, tiềm năng đất nước, giới thiệu truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam, những thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, bên cạnh các hình thức xuất bản phẩm truyền thống, cần tiếp tục phát huy tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các phương tiện truyền thông hiện đại, thực hiện các xuất bản phẩm điện tử và xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của độc giả đối với các xuất bản phẩm; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để phổ biến, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo trao Giải C cho các cá nhân, nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ GIẢI THƯỞNG

Để Giải thưởng Sách Quốc gia tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, tổ chức tốt hơn nữa Giải thưởng Sách Quốc gia hàng năm; nâng tầm Giải thưởng cả về quy mô và chất lượng tác phẩm; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho Giải thưởng; huy động sự tham tích cực của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, các tác giả, dịch giả cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội đối với Giải thưởng. Đưa Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành một trong những giải thưởng uy tín, một thước đo về hiệu quả, chất lượng của công tác xuất bản. Đồng thời, điều quan trọng hơn là phải làm sao đưa sách đến với nhân dân, xuống đến cơ sở nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất, để góp phần vào việc học tập, nâng cao trình độ, văn hóa, tinh thần, hướng tới cuộc sống chân, thiện, mỹ trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày các cuốn sách, bộ sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia qua 4 mùa giải.

Sau Giải thưởng này, Ban Tổ chức và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền các tác phẩm được giải thưởng. Phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu sách hay, sách có giá trị và số hóa các tác phẩm nhằm lan tỏa rộng rãi các tác phẩm đạt giải, tác phẩm hay đến đông đảo bạn đọc cả trong và ngoài nước; cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản sáng tác, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cho nhân dân, cho đất nước.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng làm công tác xuất bản và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân sẽ khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, đẩy mạnh hơn nữa văn hóa đọc để dân tộc Việt Nam thực sự là một dân tộc hiếu học”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói./.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ trao giải.

Bài, ảnh: Thế Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất