Năm nay, lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức thành một chuỗi chương trình kéo dài trong bốn ngày (từ 27/2-2/3 tại Hà Nội); trong đó, ngày hội chính diễn ra vào 2/3 (Rằm tháng Giêng Âm lịch) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám với hai sân thơ: sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc mở rộng các hoạt động này nhằm từng bước tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam trở thành Ngày Văn học Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi như vậy là không cần thiết.
Tạo ra sự phân biệt
Cụ thể, nhà phê bình văn học Ngô Thảo bày tỏ quan điểm: “Nếu chúng ta đổi tên gọi như vậy thì vô tình sẽ tạo ra một sự phân định rạch ròi, cơ học giữa những người cầm bút - chia nhỏ thành các nhóm: nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình, dịch giả… Theo tôi, điều này là không cần thiết và không nên. Ngày hội này được tổ chức thường niên là để tạo sân chơi, kết nối những người yêu văn học nghệ thuật nói chung; không nên tạo ra sự phân biệt (theo kiểu tôi là nhà thơ, anh là nhà văn, bạn kia làm dịch thuật…) khi đến đây.”
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Ngô Thảo cho rằng, lâu nay, Ngày thơ Việt Nam đã là ngày hội của những người yêu văn chương nói chung; không phải cứ là người làm thơ, người yêu thơ thì mới đến với Ngày thơ Việt Nam.
Trên thực tế, chủ đề của Ngày thơ Việt Nam 2018 (Văn học đồng hành cùng đất nước) và việc tổ chức những hoạt động mới (hai buổi hội thảo chuyên đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay,” “Đổi mới tư duy tiểu thuyết trong các ngày 27, 28/2) đã thể hiện việc thể hiện sự song hành của thơ, văn xuôi trong đời sống, cũng như những nỗ lực của ban tổ chức trong nhằm hướng tới sự hòa hợp của hai thể loại này.
Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một điểm hẹn văn hóa với tên gọi quen thuộc. Ông Ngô Thảo cho rằng: “Việc đưa Ngày thơ Việt Nam trở thành Ngày Văn học Việt Nam cho thấy sự máy móc trong ngôn từ, cách gọi để mở rộng quy mô của ngày hội này. Thay cho việc câu nệ chữ nghĩa, hình thức, chúng ta nên tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm, khuyến khích người cầm bút sáng tác.”
Thiếu điểm nhấn
Có cùng quan điểm trên, nhà văn, dịch giả Thúy Toàn cho rằng, thay cho việc mở rộng quy mô ngày hội này, ban tổ chức nên có những hoạt động trọng tâm hơn.
“Có thể nói, năm nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức quy củ hơn nhưng công chúng lại thưa vắng hơn, các hoạt động vẫn khá dàn trải, đặc biệt là trong ngày hội chính (2/3 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám). Khán giả cũng thưa vắng hơn,” dịch giả Thúy Toàn chia sẻ.
Hình ảnh cánh buồm được sử dụng làm biểu tượng xuyên suốt của Ngày thơ Việt Nam 2018. Ông Thúy Toàn cho rằng, hình ảnh ấy đẹp, mang nhiều ý nghĩa, ước vọng về sự phát triển của văn chương. Tuy nhiên, trên sân khấu chính, bên cạnh hình ảnh cánh buồm lại không có lá cờ thơ truyền thống - một chỉ dấu quan trọng của ngày hội thi ca; tạo nên sự nuối tiếc với công chúng.
“Theo tôi, việc mở rộng các hoạt động (biểu diễn văn nghệ, giới thiệu sách, trưng bày thư pháp…) để thu hút khán giả cũng không sai; nhưng nếu quá nhiều sẽ gây ‘loãng’ không khí hội thơ như hiện nay. Với người sáng tác, có khi cả đời cũng chỉ có được vài câu thơ hoặc một, hai bài thơ được độc giả nhớ đến. Bởi vậy, trong những năm tiếp theo, ban tổ chức nên sắp xếp lại các hoạt động, để làm nổi bật được những sáng tạo của các tác giả, tạo ra không gian tôn vinh thơ ca thực sự, để văn chương là nhân vật chính. Những hoạt động khác chỉ nên là nền,” dịch giả Thúy Toàn bày tỏ./.
Anh Ngọc/VietNam+