Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức những ngày đầu xuân 2018.
Có được thành quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các nhà
nghiên cứu văn hóa và đặc biệt là cộng đồng trong suốt quá trình đưa hát
Xoan ra khỏi danh sách Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Ông Nguyễn Ngọc
Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ trao đổi về vấn đề này.
-“Hát Xoan Phú Thọ” được
UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của
nhân loại, cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trên thế giới có loại
hình DSVHPVT chuyển từ thể dạng này sang thể dạng khác. Vậy bài học của
việc gìn giữ và phát huy di sản là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Ân: Như lời của ông Michael Croft,
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nhấn mạnh trong Lễ đón
bằng ghi danh vừa qua, đây là lần đầu tiên và duy nhất, một DSVHPVT cần
bảo vệ khẩn cấp ra khỏi danh sách và ghi nhận trở thành DSVHPVT đại diện
của nhân loại. Điều này tạo những tiền lệ tốt cho các khu vực, quốc gia
khác học hỏi kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam, chính quyền và người
dân Phú Thọ trong tiến trình bảo vệ những di sản văn hóa có nguy cơ mai
một của quê hương.
|
Ông Nguyễn Ngọc Ân. |
Với Phú Thọ, ngay từ khi “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO ghi danh là
DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011, chúng tôi đã có những trăn trở.
Chỉ trong vòng 3 tháng sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương
trình hành động về việc Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần bảo vệ
khẩn cấp-Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012-2015”; tiếp đó, tháng 11-2013,
Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp của
nhân loại-Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” cũng được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi thực hiện, khó khăn chồng chất. Nan
giải nhất lúc đó là số lượng người có thể truyền dạy hát Xoan còn lại
rất ít (chỉ còn 7 nghệ nhân trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả
năng thực hành và truyền dạy), việc cần làm ngay là mở các lớp truyền
dạy hát Xoan tới mọi lứa tuổi, tầng lớp bằng các biện pháp: Khuyến
khích, hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành
di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối; xây dựng chương trình giáo dục,
giảng dạy hát Xoan phù hợp với từng cấp học trong hệ thống các trường
phổ thông, trường sư phạm và nghệ thuật tỉnh…
Tỉnh Phú Thọ đã tạo được cho hát Xoan một sức sống mới, sức lan tỏa
mạnh mẽ. Từ chỗ không gian hát Xoan chỉ bó hẹp trong các cửa đình, vào
dịp lễ hội thì nay tỉnh đã có những giải pháp cụ thể như: Tổ chức phục
dựng tục hát Xoan nước nghĩa giữa các làng Xoan và các địa phương; đưa
hát Xoan gắn với du lịch, tham gia hội diễn, giao lưu tại các tỉnh bạn
và ở nước ngoài…
Năm 2015, được phép của Bộ VHTTDL sang dự Phiên họp Ủy ban Liên Chính
phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT lần thứ 10 của UNESCO, chúng tôi nêu
thẳng quan điểm và đặt câu hỏi: Bây giờ hết khẩn cấp thì sẽ chuyển sang
thể dạng nào? Vấn đề này đã được các nhà khoa học và nhà nghiên cứu
quốc tế cùng suy nghĩ, sau thời gian lấy ý kiến, trao đổi, đi đến thống
nhất. Kết quả, “Hát Xoan Phú Thọ” được vinh danh.
- Thực tiễn cho thấy khi làm công tác bảo tồn và
phát huy di sản, nhiều địa phương thường lúng túng trước hai yếu tố:
Nguồn lực và chính sách. Vậy tỉnh Phú Thọ đã tạo những điều kiện thuận
lợi gì khi triển khai?
Ông Nguyễn Ngọc Ân: Hai yếu tố nguồn lực và chính sách
là vấn đề trọng yếu của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa. Nguồn lực để
thực hiện xây dựng đề án là kinh phí. Nếu chúng ta xây dựng đề án mà
không có nguồn lực thì cũng chỉ để trên giấy tờ thôi. Chúng tôi xây dựng
đề án rất rõ, những cái nào đề nghị Chính phủ hỗ trợ, cái nào của tỉnh,
cái nào của cộng đồng. Ví dụ xây dựng không gian thực hành hát Xoan thì
đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng, cụ thể là miếu Lãi Lèn được đầu tư
xây dựng rất lớn; tập trung kinh phí cho 4 phường Xoan gốc truyền dạy
đội ngũ kế cận.
Còn chính sách, ngoài hình thức khen thưởng nghệ nhân đạt danh hiệu,
mới đây là Nghệ nhân Ưu tú của Bộ VHTTDL với mức 5 triệu đồng/người;
nghệ nhân truyền dạy hưởng chế độ theo quy định của Bộ Tài chính; hỗ trợ
bảo hiểm y tế… TP Việt Trì, UBND tỉnh hàng năm cấp kinh phí lập quỹ
giao địa phương quản lý để trang trải cho các hoạt động.
- Không ít nhà nghiên cứu lo ngại, hát Xoan đang
lưu hành rộng rãi trong công chúng là Xoan mới, không phải Xoan cổ; các
CLB hoạt động thời gian vừa qua cũng phần nhiều biểu diễn theo lối mới.
Như vậy có lo hậu vinh danh thì hát Xoan bị "cải biến" không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Ân: Đúng là Xoan cổ khó hát, nhưng
không phải vì thế mà mình bỏ cổ, phá cổ để làm mới. Như thế là phá vỡ di
sản, chúng tôi không định hướng phát triển di sản bằng mọi giá. Sau khi
“Hát Xoan Phú Thọ” được vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại,
trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ
đề hát Xoan trong đời sống đương đại hiện nay, để làm sao vừa bảo tồn
được vốn cổ, nhưng vẫn lan tỏa được cái mới, song song bảo tồn và phát
huy di sản, tương tự như Quan họ, Đờn ca tài tử… theo đúng Công ước
UNESCO đã quy định.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Vương Hà (thực hiện)
(Nguồn: Báo QĐND)