Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10 %; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên.
Cơ sở hiện thực hóa Đề án này liên quan đến các vấn đề: nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT-TT.
Xuất khẩu sản phẩm CNTT mang thương hiệu Việt Nam
Về nguồn nhân lực CNTT, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2015 có 30% sinh viên CNTT-TT tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế và con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2020; tỷ lệ người dân sử dụng Internet sẽ tăng từ 50% (năm 2015) lên trên 70% (vào năm 2020).
Phát triển công nghiệp CNTT, phấn đấu đến năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng CNTT-TT mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam nằm trong top 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số.
Bên cạnh đó, hỗ trợ khuyến khích việc ra đời các doanh nghiệp CNTT-TT, từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới, hình thành thương hiệu "Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam".
Đến năm 2015, phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn CNTT đạt trình độ, quy mô khu vực ASEAN, có các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, trong đó một số doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ USD và tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
50 - 60% số hộ gia đình trên cả nước sử dụng Internet
Ở lĩnh vực viễn thông, theo Đề án này, Việc Nam sẽ hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư và nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu) vào năm 2020.
Hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50-60% số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng; hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Đó là những mục tiêu về phổ cập thông tin sau 10 năm nữa.
Đến năm 2020, Chính phủ điện tử phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu
Đề án đưa ra lộ trình đến năm 2015, người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến ở mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). Bước đầu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng như quản lý giao thông đô thị; vệ sinh, an toàn thực phẩm, dự báo thời tiết,...
Sang đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất - mức 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ thuộc loại khá trên thế giới, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử.
CNTT-TT là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2009, cả nước có 295.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 55% làm việc trong các doanh nghiệp phần cứng, điện tử, 25% hoạt động ở các công ty phần mềm và 20% nghiên cứu ở các đơn vị nội dung số. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực phần cứng là 10% và phần mềm, nội dung số là 50%/năm.
Dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 20% năm 2009, đạt doanh thu trên 6,26 tỷ USD, xấp xỉ 7% GDP. Đặc biệt, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như công nghiệp phần mềm khoảng 35-40% với doanh thu đạt 880 triệu USD; công nghiệp nội dung số khoảng hơn 50%, đạt doanh thu gần 700 triệu USD. |
Theo Chinhphu.vn