Theo Thủ tướng Merkel “Đức sẵn sàng làm việc cùng với Nga để tìm giải pháp cho những tình huống phức tạp nhất”.
Đó là khẳng định của bà Angela Merkel trong chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/5.
Trước khi hội đàm, Tổng thống Nga Vladimia Putin và Thủ tướng Đức Angela
Merkel đã đến đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sỹ vô danh gần điện Kremlin.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng, bà “rất hạnh phúc” khi đến Moscow nhân dịp
kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 để mặc niệm những
nạn nhân vô tội, tưởng nhớ những người dân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc
chiến”.
Bà Merkel cho biết: “Tôi đến Moscow trong giai đoạn khó khăn của quan
hệ Nga – Đức. Điều quan trọng đối với tôi là vào dịp kỷ niệm 70 năm kết
thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, tôi được tưởng nhớ những người đã
thiệt mạng trong cuộc chiến này cùng với Tổng thống Putin.”
Việc Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu duy nhất đến
thăm Nga trong dịp kỷ niệm 70 Ngày Chiến thắng Phátxít đã một lần nữa
chứng tỏ những nỗ lực của nước Đức trong việc đóng vai trò gạch nối giữa
Nga với phương Tây tuy nhiên 2 bên vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến
cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Mối quan hệ thương mại nhiều tỷ đôla với các liên kết năng lượng
xuyên biên giới Nga - Đức đã trở nên xấu đi nhanh chóng sau khi bán đảo
Crimea sáp nhập Nga tháng 3 năm ngoái. Ngay trong cuộc gặp lần này, Thủ
tướng Đức Merkel vẫn gọi đây là hành động “vi phạm luật pháp quốc tế”,
là một “trở ngại nghiêm trọng” trong quan hệ Đức-Nga và là “một sự vi
phạm nguyên tắc chung của hệ thống chính trị vì hòa bình ở châu Âu”.
Đáp lại, Tổng thống Putin cũng thừa nhận, quan hệ Nga và Đức đang
trải qua giai đoạn khó khăn vì những khác biệt trong việc đánh giá sự
kiện ở Ukraine. Điều này khiến thương mại song phương trong năm 2014 lần
đầu tiên giảm 6,5% trong vòng 5 năm qua.
Muốn hóa giải quan hệ Nga – Đức thì 2 bên phải bắt tay giải quyết
khủng hoảng ở Ukraine và theo Thủ tướng Merkel, hiện không có phương án
nào khác cho Ukraine ngoài việc thực thi thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận
này yêu cầu rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và chiến binh nước ngoài ra
khỏi miền Đông Ukraine, thả tất cả tù nhân, và để cho các quan sát viên
bầu cử của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu bắt đầu chuẩn bị các cuộc
bầu cử địa phương.
Bà Merkel cho biết, Pháp và Đức sẵn sàng thúc đẩy tiến trình bầu cử ở
miền Đông Ukraine, đồng thời bày tỏ mong muốn phía Nga cũng làm nhiều
hơn nữa để thúc đẩy lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine tuân thủ thỏa
thuận ngừng bắn và chấm dứt giao tranh với quân đội chính phủ.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cam kết sử dụng mọi ảnh hưởng đối
với lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine để chấm dứt cuộc giao tranh
kéo dài hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, theo ông, quân đội chính phủ Ukraine
cũng có trách nhiệm như lực lượng đối lập ở miền đông Ukraine trong các
vụ vi phạm ngừng bắn.
Tổng thống Putin cũng cho rằng đã có những tiến bộ trong quá trình
thực thi thỏa thuận Minsk: “Có rất nhiều lý do để tin rằng dù tiến trình
thực hiện thỏa thuận Minsk có nhiều khó khăn nhưng thỏa thuận này vẫn
được thực thi. Chúng ta cũng đã thấy là sau khi đạt được thỏa thuận
ngừng bắn ngày 12/2 đến nay, tình hình miền Đông Ukraine tương đối yên
ắng trở lại dù vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn đọng.”
Đúng như nhận định của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder tại một hội
nghị mới đây có tên “Tất cả trên mặt trận phía Đông”, Nga và phương Tây
không phải là kẻ thù, và ông cho rằng cả hai bên cần duy trì quan hệ
thân thiện với nhau vì lợi ích chung của cả thế giới.
Theo chính trị gia kỳ cựu này, an ninh ở châu Âu có thể được đảm bảo
khi hợp tác với Nga và không chống lại Nga. Cả hai bên cần xây dựng mối
quan hệ đối thoại và hợp tác với nhau, nếu không châu Âu “sẽ không phải
là một ngôi nhà an toàn cho chúng ta và các thế hệ tương lai”./.
Theo VOVnews