THẢM HOẠ “Ô NHIỄM TRẮNG”
Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường biển vẫn còn nhiều nguy cơ tiếp diễn, đặc biệt là tình trạng rác thải nhựa xả ra biển.
Năm 2018, Ngày Đại dương thế giới được chọn chủ đề: “cùng chung tay giữ màu xanh của biển”. Ở Việt Nam, mặc dù công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nói riêng đã được chú trọng, quan tâm, song dưới sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như các tai biến thiên nhiên, ý thức gìn giữ môi trường, hiện nhiều vấn đề đã và đang gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.
GS. TS. Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trên thế giới, khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp hai lần trong 20 năm tới.
“Năm 2014 toàn thế giới sản xuất 314 triệu tấn nhựa để phục vụ nhu cầu của con người và con số đó sẽ ngày càng tăng theo đà tăng dân số và nhu cầu cao trong đời sống, dự báo tới 2050 toàn cầu sẽ sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa… Nếu lạm dụng quá mức và thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm do nhựa mà giới khoa học gọi là thảm họa “ô nhiễm trắng”, mà Việt Nam khó tránh khỏi, nếu không có biện pháp lâu dài”- bà Chi cảnh báo.
Ô nhiễm rác thải nhựa nguy hiểm hiện hữu ở chỗ được sử dụng nhiều, nhưng cho tới nay phần lớn sản phẩm nhựa mà con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần sau đó thải bỏđiển hình là trong các đồ dùng phục vụ sinh hoạt.Như vậy số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng so với nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa.
“Những năm gần đây chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng so với 60% chất thải giấy và 90% chất thải thép. Trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam bị xếp thứ tư sau Trung Quốc, Indonesia, Philippin. Đây là một thách thức lớn cho môi trường ở Việt Nam bởi vì vớiđặc tính ưu việt bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân huỷ được. Chính do thời gian phân hủy quá chậm trọng khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa có thể gây tác động xấu đối với môi trường và sức khoẻ cộng động và là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương” - bà Chi cảnh báo tiếp.
GS. TS. Đặng Kim Chi cũng khẳng định, một trong những nhức nhối về môi trường mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải nhựa không lồ được thải ra đại dương mỗi năm, trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn và mỗi năm sẽ gia tăng thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa trôi ra đến biển có thể tồn tại cả trăm năm. Và do cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím, nhựa sẽ rã thành những mảng nhỏ và có thể bị các loài hải săn ăn vào, để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục”.
HẠN CHẾ TÚI NILON… CHƯA HIỆU QUẢ
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều tỉnh, thành phố hiện đang đối mặt với thực tế ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm môi trường vùng ven biển, trên biển do túi nilon thải ra tuỳ tiện.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất kinh khủng, trong khi số lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Đáng chú ý, số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm hoạ mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Việc triển khai đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 đã được các bộ, ngành quan tâm.
Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế việc sử dụng túi nilon khó phân huỷ trong sinh hoạt; Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với cácbộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sản xuất túi xách thân thiện với môi trường qua chương trình “nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, “đổi mới công nghệ đến năm 2020”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thảo, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về việc tăng cường sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú.
Tương tự, ở cấp địa phương, việc triển khai đề án đã được lồng ghép trong các kế hoạch bảo vệ môi trường, quản lý chất thải; đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của túi nilon khó phân hủy, tổ chức các phong trào như “ngày không túi nilon”, “nói không với túi nilon”, ngừng cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất túi nilon khó phân hủy. Tại nhiều tỉnh thành, các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng đã sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon khó phân hủy.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc. Mặc dù túi nilon thân thiện với môi trường được miễn thuế bảo vệ môi trường, nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình sản xuất túi nilon khó phân hủy quy mô nhỏ và không phải nộp thuế theo thực tế sản xuất nên đã kéo giá thành túi nilon thông thường thấp hơn, khiến túi nilon thân thiện với môi trường không có khả năng cạnh tranh với túi nilon thông thường, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước kém hiệu quả.
CÙNG NHAU CHỐNG RÁC THẢI NHỰA
Ngày 12-10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa”. Tại lễ phát động, Bộ Tài nguyên và môi trường, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, siêu thị đã ký kết hành động cùng phong trào “chống rác thải nhựa”.
Thu gom rác thải nhựa ở thành phố Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức, các doanhghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động thực nhiệm 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể chống rác thải nhựa:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân.
Thứ hai, phát động phong trào “chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện mới môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Thứ ba, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Thứ tư, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về giải quyết rác thải nhựa thông qua thúc đẩy các hình thức hợp tác đối tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, nilon./.
Thùy Dương
____________________________________
Bài đăng TCTG số 11/2018