Thứ Sáu, 29/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 26/4/2011 20:2'(GMT+7)

Đừng để “sướng cái miệng, khổ cái thân”

Một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở Cần Thơ.

Một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở Cần Thơ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong các năm từ 2006-2010, ngộ độc do ăn thủy sản chiếm 10,9% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm, cao hơn nguyên nhân gây ngộ độc từ thịt, rau và rượu. Điều đó nói lên rằng, ăn thủy sản không đúng có nguy cơ mất an toàn cao.

Mới đây, ngày 21/4, tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, 16 người bị ngộ độc do ăn cá bống hoa, trong đó 4 người nguy kịch. Đầu tháng 4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh tiếp nhận một gia đình gồm 4 người bị ngộ độc nặng vì ăn so biển. Ba mẹ con may mắn được cứu sống, còn người chồng không qua khỏi.

Đầu năm nay, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong lúc chuẩn bị lễ cưới cho con, một gia đình đã đem cá nóc vừa đánh bắt được nấu canh chua ăn, khiến 5 người trong nhà (gồm cả cô dâu và chú rể), thêm 4 hàng xóm bị ngộ độc khá nặng.

Các vụ ngộ độc do ăn thủy sản nhìn chung nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ bị tử vong, hoặc để lại di chứng nặng.

Nhiều vụ ngộ độc thủy sản do người ăn không biết như ở Lăng Cô vừa nêu, thấy cá bống hoa được bỏ lại trên bờ biển nghĩ là ăn được nên mang về chế biến. Cũng có vụ ngộ độc do nhầm lẫn loài thủy sản độc và không độc như ở Trà Vinh, nhầm con so với con sam biển nên đem về luộc ăn khiến bị nhiễm độc chết người.

Song đáng buồn là vẫn còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc do “biết mà vẫn làm liều”. Ngộ độc do ăn cá nóc liên tục xảy ra, được báo, đài, ngành chức năng và chính quyền địa phương cảnh báo rất nhiều. Thế nhưng số vụ ngộ độc vì ăn cá nóc, danh sách nạn nhân vào viện cấp cứu hoặc thiệt mạng do ăn cá nóc vẫn nối dài theo ngày tháng. Biết ăn cá nóc dễ bị ngộ độc nếu không chế biến đúng cách, nhưng nhiều người cho rằng đây là món ngon, lại quá tự tin vào tài “dao thớt” và kinh nghiệm nghề biển của mình, nên hậu quả bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu.

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, đa dạng, nhưng cũng có nhiều loài mang độc tố nguy hiểm cho người ăn. Cá nóc, cá gai, cá mắt lồi, cá mặt quỷ, cá thằn lằn, cá tiên, cá nhồng… vùng biển nào cũng có, song một số loài thủy sản có thể gây ngộ độc tập trung ở từng vùng. Chẳng hạn như: con so có nhiều ở vùng biển Trà Vinh, cá bống hoa hay còn gọi là cá vân mây có nhiều ở vùng biển Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý là phần lớn các vụ ngộ độc do ăn thủy sản xảy ra tại địa phương có biển. Vậy nên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải biết lợi thế và hạn chế nguồn thuỷ sản ở địa phương mình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho ngư dân và người dân biết về loài thuỷ sản mang độc tố để không đánh bắt và sử dụng làm thực phẩm. Với những cơ sở đánh bắt, kinh doanh, sử dụng những loại thuỷ sản làm thực phẩm cần được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để nếu có vi phạm.

Con số 60% số vụ ngộ độc thực phẩm xuất phát từ bếp ăn gia đình mà Bộ Y tế thống kê được trong năm qua cho thấy, nguyên nhân chủ quan là rất lớn. Đối với thủy sản, cần kiên quyết loại bỏ những loài không biết, không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không ăn những loài biết có chứa độc tố gây hại cho người. Ăn thủy sản, đừng để “sướng cái miệng mà khổ cái thân”./.

(Kiều Vân/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất