Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 1/12/2011 20:36'(GMT+7)

Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho biến đổi khí hậu

Dăm năm trước, ít người Việt Nam biết đến biến đổi khí hậu. Giờ đây thì khác, biến đổi khí hậu là mối quan tâm của không chỉ giới truyền thông, mà của tất cả bộ ban ngành, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
 
Đúng là những cảnh báo của giới khoa học rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; rồi nguy cơ đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng cao 1m, như thế sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp khiến không ai có thể thờ ơ.       

Nếu theo dõi diễn biến thời tiết những năm qua trên khắp hành tinh, có thể thấy số các vụ thiên tai khắc nghiệt ngày càng nhiều, sức tàn phá ngày càng lớn, diễn biến khó dự báo hơn. Đó là do tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế không nghi ngờ gì nữa, khí hậu Trái đất đang thay đổi. Biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau không thể không đối mặt.

Tại Việt Nam, các vấn đề về môi trường suy thoái, lụt lội ở đô thị, nước nhiễm mặn, xói mòn bờ biển, các loài tuyệt chủng… giờ đây đang được gán ghép với biến đổi khí hậu. Theo cách này hay cách khác, người ta gán ghép cho biến đổi khí hậu là kẻ tội phạm hoàn hảo.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu dường như là cái bia để đánh lạc hướng mọi người khỏi những sai lầm trong quản lý hay thiết kế và quy hoạch vốn đã có thể giảm thiểu hoặc tránh những thiệt hại đó.

Ví dụ, lụt lội ở TP HCM chủ yếu là do mất hệ thống thoát nước, hệ lụy của việc thiếu kiểm soát dân số cơ học đô thị lõi, xây dựng đô thị thiếu tầm quy hoạch.

Trước đây, TP HCM chằng chịt kênh rạch, đầm lầy. Dù triều cường hay nước lũ đều có thể nhanh chóng rút qua hệ thống dòng chảy tự nhiên ấy. Nhưng vài thập kỷ nay, hàng triệu mét khối đất được đổ xuống lấp đầy những ô trũng vốn có chức năng điều hoà nước tự nhiên ấy để xây khu đô thị mới. Triều cường hay nước lũ chẳng còn chỗ để thoát gây cảnh ngập lụt cục bộ kéo dài.

Rồi tình trạng khai thác nước ngầm, những toà nhà trọc trời xây trên nền đất yếu gây ra hiện tượng lún sụt trên diện rộng… Những bất cẩn ấy đang làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng gây ra bởi triều cường và mưa lũ.

Một ví dụ nữa là trận lụt lịch sử ở Hà Nội vào tháng 11/2008 là do hệ thống thoát nước vốn đã quá cũ, lại bị lấn chiếm, chèn ép bởi các công trình xây dựng nên không thể đáp ứng được lượng nước mưa lớn.

Nói đến lũ lụt miền Trung, thì nguyên nhân chính phải kể đến “công cuộc” phá rừng đầu nguồn và phương thức xả lũ không theo quy tắc của hàng trăm hồ chứa, đập thủy điện.

Tương tự vậy, trong khi biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng cao chỉ đẩy các loài động thực vật hoang dã phải di chuyển nơi sinh sống của chúng thì nạn săn bắt trái phép, nạn phá rừng làm mất nơi cư trú vẫn là mối đe dọa lớn nhất với sự tồn vong của chúng. Có một chuyên gia đã nói, biện pháp được ưu tiên hiện nay nên là thực thi luật pháp hiệu quả hơn so với việc tổ chức thêm một hội thảo về biến đổi khí hậu hay bảo tồn đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu là điều đã được dự báo. Vì thế, thay vì đổ lỗi hoàn toàn cho biến đổi khí hậu, tốt hơn hết là chúng ta nên chủ động ngăn chặn việc suy giảm đất ngập nước và các lạch nước vốn là những mảng nổi tự nhiên rất dễ vỡ. Giữ triệt để những cánh rừng còn sót lại, công cụ điều hòa khí hậu tốt nhất.

Một điều nữa cũng cần quan tâm là phải thiết kế tốt hơn, quy hoạch tư duy hơn, quản lý có trách nhiệm hơn sẽ cần phải song hành trên một con đường dài để giảm thiểu những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra./.

(Theo: Hùng Cường/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất