(TCTG) - Sử dụng khí sinh học biogas để đun nấu, phát điện đã trở nên khá phổ biến trong các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi với quy mô trang trại ở Vĩnh Phúc. Mô hình mới này không chỉ giảm chi phí nhiên liệu trong sản xuất, sinh hoạt mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Ông Phùng Khắc Viên, phường Hội Hợp (thành phố Vĩnh Yên) cho biết: Trước kia khi chưa có hầm Biogas gia đình ông không dám mở rộng quy mô sản xuất do chất thải làm ô nhiễm môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được thải trực tiếp ra các cống rãnh, ao hồ xung quanh không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình mà còn ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.
Từ khi được Hội Làm vườn Vĩnh Phúc hỗ trợ xây dựng hầm biogas gia đình ông đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ 800-1.000 con gà, 50-60 con lợn, 1.000 m2 ao cá, 2 sào rau quả các loại. Nhờ sở dụng khí sinh học, gia đình ông đã giảm 30% chi phí, tăng mức lãi lên 20%, giải phóng 30% sức lao động. Đặc biệt khí gas thu được ngoài cung cấp cho việc đun nấu sinh hoạt hàng ngày của gia đình còn giúp sử dụng sưởi ấm cho đàn lợn, cho gà vào mùa đông. Đồng thời chất cặn bã thu được sau khi đã qua bể biogas còn dùng để bón cho cây trồng đã giúp cho gia đình ông giảm chi phí phân bón đến 50%. Nguồn nước trong từ hầm biogas vừa dùng để tưới cho rau màu lại có thể thải thẳng xuống ao làm thức ăn cho cá, nước thải này không màu, không mùi, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và không chứa các chất độc hại nên rất an toàn đối với cá.
Không chỉ sử dụng khí biogas để đun nấu, anh Nguyễn Văn Ngọ ở xã Lãng Công (Sông Lô) còn sử dụng khí sinh học để chạy máy phát điện. Tận dụng chiếc đầu máy công nông đã hỏng anh Ngọ đã lắp thêm bộ chế hòa khí để làm bộ máy phát điện, đồng thời chế tạo thêm đường ống dẫn khí biogas để vừa có thể chạy bằng khí biogas và chạy cả bằng dầu. Với hệ thống máy phát điện bằng khí biogas, anh Ngọ đã có dòng điện 3 pha, đủ cung cấp cho hệ thống bơm nước tắm, nước uống cho lợn, phục vụ cả dịch vụ máy xay xát, hệ thống quạt thông gió, quạt, nghe đài, xem ti vi, sử dụng bình nóng lạnh, chiếu sáng và đun nấu cho sinh hoạt thường ngày của gia đình và công nhân.
Mỗi tháng trang trại của gia đình anh đã tiết kiệm được từ 300.000-500.000 đồng tiền điện. Trước kia, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Ngọ thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù anh đã đầu tư xây dựng 4 hầm biogas sử dụng trong việc đun nấu nhưng lượng gas vẫn thừa, anh phải đốt bỏ bớt, một phần nước thải chăn nuôi đành phải thải ra môi trường xung quanh.
Dự án hỗ trợ nhân rộng hầm biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường, nông nghiệp nông thôn đã được Vĩnh Phúc triển khai từ năm 2006. Đến nay, cả tỉnh đã xây dựng được 8.177 hầm biogas với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng. Dự án đã góp phần giảm thiểu được khoảng 6 tấn BOD, 12 tấn COD mỗi tháng thải vào môi trường. Không chỉ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khí sinh học còn tạo ra nhiên liệu từ nguồn khí gas để sử dụng cho việc nấu ăn, thắp sáng, sử dụng bình nóng lạnh, chạy máy phát điện… trong mỗi gia đình.
Bên cạnh đó cùng với việc kết hợp chất thải từ hầm biogas với các chất thải hữu cơ khác trong sản xuất, sinh hoạt đã sản xuất được một lượng phân bón hữu cơ vi sinh từ đó hạn chế việc lạm dụng sử dụng phân bón hóa học trong canh tác nông nghiệp, qua đó giảm bớt sự thoái hóa và cải tạo đất góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp./.
Theo Lâm Đào An/TTXVN