Ngay từ cuối giờ chiều ngày 12/2 (mồng 8 tháng Giêng âm lịch), khu vực chung quanh chùa Phúc Khánh (Hà Nội) đã đông kín người đến chuẩn bị lễ dâng sao giải hạn đầu năm. Trong số đó có cả một số viên chức nhà nước, học sinh, sinh viên… Càng gần đến giờ hành lễ, dòng người đổ về càng dày đặc, xếp hàng kín cả vỉa hè, tràn ra lòng đường, thậm chí đứng ngồi lố nhố trên cầu vượt Ngã tư Sở, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng tiêu cực tới mỹ quan đô thị. Vì lượng người tập trung tại khu vực này quá lớn, lực lượng chức năng phải rất vất vả để huy động người chốt chặn, điều khiển giao thông, cũng như bảo đảm an toàn, trật tự cho các hoạt động công cộng.
Vài năm nay, cảnh tượng trên như đã trở nên quen thuộc với người dân trong khu vực vào dịp đầu năm mới, khiến hầu hết cơ sở kinh doanh sát chùa Phúc Khánh phải đóng cửa từ sớm, vì không thể kinh doanh trước dòng người đông nghịt tràn cả ra đường.
Tình trạng thực hiện lễ dâng sao giải hạn như ở chùa Phúc Khánh không phải là hiện tượng cá biệt, vì tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo liên quan Phật giáo đều có hoạt động tương tự.
Ðiều này xuất phát từ quan niệm cho rằng tùy theo mỗi năm âm lịch mà vận mệnh mỗi người sẽ ứng với một sao chiếu mệnh. Năm nào gặp sao tốt mọi việc hanh thông, thuận lợi, ngược lại nếu gặp sao xấu (như Kế Ðô, La Hầu, Thái Bạch) thì sẽ gặp nhiều rủi ro, vận hạn. Vì thế để hóa giải sao xấu, cần phải tiến hành cúng sao, thường gọi là dâng sao giải hạn, để có được một năm bình an, nếu điều không may xảy ra thì hậu quả sẽ vơi nhẹ. Việc dâng sao, giải hạn có thể tự thực hiện tại nhà, song phổ biến nhất là đến các đình, đền, chùa vì nhiều người cho rằng người trụ trì tại đây thực hiện theo bài bản thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thật ra, mong muốn được bình an hay thực hành dâng sao giải hạn là nhu cầu cũng như quan niệm riêng của mỗi người đáng được tôn trọng, nếu như không xảy ra tình trạng nghi lễ này đang ngày càng biến tướng, thậm chí trở nên kệch cỡm, quái dị, có nguy cơ đẩy sâu nhiều người vào sự mù quáng, mê muội.
Thông thường, mỗi người tham gia lễ dâng sao giải hạn phải đăng ký từ cuối năm, kèm theo số tiền làm lễ, bình quân từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, cùng đồ lễ (hoa quả, tiền vàng, hình nhân thế mạng,...). Tùy theo điều kiện của từng gia đình, tiền sắp lễ có thể từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Thậm chí đồ lễ có nhà còn sắm cả từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại iPhone,... đến nữ trang và đồ nội y. Như vậy từ xuất phát ban đầu vốn là một nghi lễ nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh nay đã bị vật chất hóa. Và không ít người mặc nhiên quan niệm, chỉ cần bỏ tiền ra là mua được mọi thứ, kể cả "mua thần linh" phù hộ cho mình.
Thực tế, theo các nhà nghiên cứu, tục cúng sao giải hạn không hề có trong giáo lý đạo Phật. Ðạo Phật cũng ngăn cấm sự cuồng tín, mê tín dẫn đến mê muội, cũng như không cổ súy việc đốt vàng mã hay cúng sao giải hạn.
PGS. TS. nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền khẳng định: "Có dâng đến ngàn lần, vạn lần, triệu lần đi chăng nữa thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi. Và vì thế, không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Làm sao dâng sao mà giải hạn được. Vấn đề đầu tiên ảnh hưởng đến số phận con người là do chính người đó tạo nên. Cuộc sống của con người, trước hết là vận hành theo nhân quả - sống như thế nào thì có kết cục tương ứng. Thứ hai là do môi trường sống, cách quan hệ, ứng xử trong cuộc sống. Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, ứng xử tốt với mình, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh, lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn".
Ðáng tiếc là những ý kiến đúng đắn kiểu như vậy chưa được lắng nghe, mà càng gần đây, mỗi dịp đầu năm số người làm lễ dâng sao giải hạn như có xu hướng gia tăng.
Có cầu ắt có cung, nhiều cơ sở thờ tự vì chiều lòng tín đồ, đã chấp nhận thực hành nghi lễ xa lạ này, thay vì phân tích, giảng giải cho phật tử. Chưa kể, nhiều kẻ thiếu lương tâm đã chớp thời cơ lợi dụng sự mê muội của người dân để kiếm chác, làm tiền. Từ đó khi thực hành lễ này ở nhiều đền, chùa, việc tùy tâm đã thành một dịch vụ có tính thương mại, giá cả lên xuống tùy theo thời giá thị trường, và có thể mặc cả. Tại một số đền, chùa đó còn sẵn sàng cung cấp cả dịch vụ cầu an, cúng sao cả năm với mức giá tiền triệu.
Có thể thấy, chính sự thiếu hiểu biết, tin theo đến mù quáng của một bộ phận dân chúng không chuyên tâm lo làm ăn, hướng tới điều thiện, đổ xô đi nộp tiền lễ dâng sao giải hạn đã nhanh chóng đẩy tới sự bành trướng một nghi thức mang đậm mầu sắc mê tín dị đoan, tạo cơ hội để một số người đầu cơ niềm tin tín ngưỡng, tác động tiêu cực tới niềm tin xã hội, tới cuộc sống chung của cả cộng đồng.
Bất chấp sự phản ứng của dư luận, bất chấp cảnh báo của các nhà nghiên cứu và chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), việc cúng sao giải hạn nói riêng và các hoạt động mê tín núp dưới danh nghĩa tâm linh nói chung đang có chiều hướng nở rộ. Bởi vậy, "đến hẹn lại lên", tại nhiều đền, chùa, các hoạt động trục lợi tâm linh lại tái diễn với nhiều hình thức khác nhau, không chỉ phản cảm và gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng trật tự công cộng, tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, khiến dư luận bức xúc.
Cần phải khẳng định rằng mong muốn của con người khi hướng đến một cuộc sống an lành và hanh thông, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn… là hoàn toàn chính đáng, kể cả khi mong muốn đó được gửi gắm vào điều linh thiêng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hành một số nghi lễ để thỏa mãn mong muốn đó đã bị đẩy lên đến mức thái quá, trở thành mê tín dị đoan cùng nhiều biến tướng tiêu cực.
Thực trạng đáng lo ngại này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả xã hội cũng như các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng hình thức tín ngưỡng, tôn giáo pha đậm mầu sắc mê tín dị đoan, trở thành nơi buôn thần bán thánh, ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội từ tư tưởng đạo đức đến kinh tế đời sống.
Ngày 20/2/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có Công văn số 591/BVHTTDL-VHCS về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo gửi Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) và Trung ương GHPGVN. Công văn nêu rõ: "hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội tại một số cơ sở thờ tự Phật giáo, di tích vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là hiện tượng tổ chức dâng sao giải hạn có thu tiền, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi. Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) và Trung ương GHPGVN tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NÐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Công văn số 31/CV-HÐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo; tăng cường công tác tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hướng dẫn các cơ sở thờ tự Phật giáo không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc".
Cùng ngày, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã chính thức lên tiếng qua Văn bản số 033/CV-HÐTS về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố. Bên cạnh việc khẳng định các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống, Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng thẳng thắn chỉ rõ: "Trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng pháp phương tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp".
Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức pháp hội phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi, mà phải đúng Chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh bất an trong đời sống của mình. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần của nội dung văn bản nêu trên.
Sự vào cuộc kịp thời của Bộ VHTTDL và GHPGVN đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Dù niềm tin vào yếu tố tâm linh của các tín ngưỡng, tôn giáo cần được tôn trọng, nhưng việc biểu đạt và thực hành niềm tin đó nếu bị đẩy tới hiện tượng tiêu cực, vi phạm các quy định của xã hội, sai trái và thiếu phù hợp với sự phát triển của nhận thức, của văn minh thời đại đẩy người dân tới chỗ mất tỉnh táo, u mê, trở nên mê tín dị đoan, ảnh hưởng xấu đến xã hội thì cần bị phê phán, lên án và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Và để khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong nghi lễ dâng sao giải hạn, cần có sự phối hợp chặt chẽ: các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tăng cường hướng dẫn người dân hiểu đúng ý nghĩa của nghi lễ, ngăn chặn tình trạng biến việc giúp đỡ thực hành thành kinh doanh thu lợi.
Người tham gia nghi lễ này cũng cần nhận thức sâu sắc rằng không có thành công, may mắn nào tự đến nếu không tự thân nỗ lực lao động và cống hiến. Cũng không thể có chuyện vận hạn nào đó có thể hóa giải bằng việc đốt nhiều tiền bạc cho dâng sao giải hạn.
Sống hướng thiện, lành mạnh, có trách nhiệm, luôn nỗ lực nâng cao trình độ nhận thức, trình độ nghề nghiệp và lựa chọn công việc phù hợp với năng lực của bản thân, làm chủ cuộc sống của mình,… đó mới chính là các yếu tố cơ bản nhất giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, gặt hái thành công trong cuộc sống./.
Thành Nam (nhandan.com.vn)