Yếu tố đặc thù của văn học nghệ thuật có mấy điểm:
Một là, đó là lĩnh
vực của cái tôi, của cá tính. Mà cá tính là cái riêng, nổi trội để tạo
ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Nhưng phải là cá tính sáng tạo,
tức là phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, mới
mẻ, độc đáo. Người nghệ sỹ làm giàu cho xã hội không bằng số lượng của cải
vật chất mà bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần.
Hai là, năng khiếu sáng tạo phú cho người nghệ sỹ sự nhạy cảm, nhất là
nhạy cảm trước những biến động xã hội. Nhưng không phải ai cũng có một
sức đề kháng, một "bộ lọc" tốt, nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng
mà trở thành cái loa tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực.
Ba là, xét về bản chất hình tượng thì sáng tạo ra tác phẩm là sáng
tạo ra một "cuộc sống thứ hai" thoát thai từ cuộc sống thực, nhưng chỉ
là mô hình chứ không phải "chụp ảnh" từ đời sống thực. Có bao nhiêu tác
phẩm đích thực là có bấy nhiêu mô hình, có cái giống, có cái khác, lại
có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống thực. Vì lẽ này mà tiếp nhận
văn học nghệ thuật luôn là vấn đề phức tạp. Có mô hình bị ngợi ca vô
lối; có mô hình bị hiểu sai, có cái thì bị lợi dụng…
Bốn là, xét ở góc độ tiếp nhận thì văn học nghệ thuật là món ăn tinh
thần không thể thiếu, nhưng trong thời buổi tiếp biến văn hóa mạnh mẽ
hiện nay thì có món ăn, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà dễ
bị/gây ngộ độc.
Cũng vì những lẽ trên mà văn học nghệ thuật trước nay luôn là vấn đề
được tất cả các chính thể quan tâm để tăng cường thêm sức mạnh, để làm
vũ khí, để làm "tai mắt"... Ở thời đại chúng ta, dưới sự lãnh đạo của
Đảng thì văn học nghệ thuật là một đội quân cách mạng.
Đội quân ấy đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc làm
nên những chiến thắng lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất
nước; bước sang thời kỳ đổi mới đã góp phần cùng toàn dân làm nên những
kỳ tích.
Nhưng ở ngày hôm nay, hoặc do buông lỏng quản lý, hoặc chưa
hiểu rõ đặc trưng, hoặc thiếu định hướng… mà chỗ này chỗ khác, một vài
yếu tố của lĩnh vực này cần được hoàn thiện, chấn chỉnh kịp thời.
Cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo
đức trên lĩnh vực văn hóa không tiếng súng nhưng căng thẳng, gay gắt, âm
thầm, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người. Nguyên nhân của
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa", như Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở phải
cảnh giác, đó là "chủ nghĩa cá nhân".
Mà trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, như đã nói, là lĩnh vực của cái
tôi, của cá tính nên "chủ nghĩa cá nhân" rất có điều kiện nảy nở. Có
khi nó lại được ngụy trang tinh vi dưới cái vỏ bọc "cá tính sáng tạo"
nên rất khó phát hiện.
Đó là tình trạng chạy theo thị hiếu tầm thường của số ít cá nhân nghệ
sỹ và một bộ phận công chúng, nên bỏ qua đặc trưng cái đẹp mà đi vào mô
tả những gì gần với bản năng. Đó là "sáng tác" chạy theo số lượng; vì
lợi nhuận chiều theo những tâm lý xã hội nhất thời, tầm thường… Đó là sự
a dua, nói theo những ý kiến trái chiều, nói ngược với những quan điểm
chính thống để được… chú ý…
Vì lợi ích riêng mà có một vài tờ báo cho đăng quảng cáo thiếu chọn
lựa, đăng tin bài thất thiệt mang tính câu khách, giật gân, gây chú ý…
Lại có một vài địa phương trao giải thưởng không căn cứ vào chất lượng
tác phẩm mà dựa vào sự quen biết, thân tình cá nhân…
Nằm trong quy luật của tư tưởng, tình cảm nên một biện pháp khắc phục
tình trạng này là tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức tư tưởng chính
trị thường xuyên, liên tục cho văn nghệ sĩ. Nhưng trên thực tế đang có
tình trạng buông lỏng. Minh chứng dễ thấy ở một số các trường, các đơn
vị nghệ thuật là các buổi học Nghị quyết, các đợt sinh hoạt chính
trị,…phần lớn mang tính hình thức.
Với lập luận chuyên môn nghiệp vụ mới là quyết định nên học chính trị
là không cần thiết. Thế là đã quên một điều cơ bản là làm nên một nhân
cách nghệ sĩ đích thực thì phải có kết hợp của ý thức chính trị và tài
năng.
Có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết -
vốn được coi là những điều sống còn của nghệ thuật. Tình yêu và tài
năng như hai cánh tay trong một cơ thể nghệ thuật. Mất tình yêu tức là
sự báo hiệu thui chột một tài năng. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự
giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của ý thức chính trị cao.
Cần quản lý tốt hơn việc sử dụng dịch vụ và thông tin trên Internet.
Internet là một thành tựu của nhân loại, nhưng cũng là con dao hai lưỡi,
rất tiện dụng cho những ai làm chủ được nó, để tra cứu, để tham khảo,
để học tập… nhưng lại rất độc hại cho những ai bị nó biến thành nô lệ.
Là trẻ em tò mò đọc những trang độc hại về giới tính; là những sinh viên
lười học vào mạng để copy tư liệu làm luận văn; là công cụ lợi hại để
kẻ xấu tung những thông tin sai lạc… Quản lý Internet để ngăn chặn những
luồng văn hóa phản nhân văn là vấn đề cực kỳ nan giải, không thể một
sớm một chiều và cần thiết phải được luật hóa hoặc thể chế hóa thành
những quy định cụ thể.
Tích cực đấu tranh hơn nữa với những biểu hiện lai căng, những sản
phẩm độc hại, những hành vi phản văn hoá, góp phần bảo vệ, giữ gìn và
phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc và tính thống
nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tiếp biến văn hóa là một khuynh
hướng không thể cưỡng lại.
Tiếp biến bao giờ cũng có hai mặt, tiếp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu
cực từ khắp nơi trên thế giới. Điều quan trọng nhất là phải bồi dưỡng
một bản lĩnh văn hóa cần thiết để chế ngự cái xấu mà tiếp thu cái tốt.
Hiện nay các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên
thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng tới nước ta.
Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong sáng tác, nghiên cứu nhưng
phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý
tiếp nhận của người Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông
đảo quần chúng lao động.
Đã có nhiều lý thuyết của thế giới được giới thiệu với rất nhiều
khuynh hướng, trường phái nghiên cứu được phổ biến, ứng dụng, thực hành
như Thi pháp học, Tự sự học, Phân tâm học, Ký hiệu học, Phong cách học,
Mỹ học tiếp nhận, Văn hóa học, Liên văn bản, Hậu hiện đại, Diễn ngôn, Nữ
quyền, Sinh thái học… Những lý thuyết ấy có ăn nhập gì với mảnh đất văn
hóa Việt? Chúng ta chấp nhận sự đa dạng trong phương pháp nhưng không
chấp nhận lý thuyết nào đi ngược lại lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ, cách
mạng. Trong sự đa dạng và xôn xao về lý thuyết như thế phải có một cái
nền tảng ổn định, một cái gốc vững chắc, là mỹ học Mácxit.
Có thể vận dụng bất kỳ phương pháp mới nào phù hợp với đối tượng
nghiên cứu nhưng vẫn phải lấy mỹ học Mácxit làm kim chỉ nam, làm phương
pháp luận. Vì thời gian và thực tiễn đã khẳng định đó là hệ hình mỹ học
tiên tiến nhất, phù hợp nhất với văn hóa nước ta. Dĩ nhiên không được
vận dụng ép buộc khiên cưỡng sống sượng mà cần mềm mại, uyển chuyển,
tinh tế với từng trường hợp cụ thể.
Tinh thần của triết học văn hóa đương đại lấy con người làm trung
tâm, con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa. Các
Mác từng nói về việc phải giáo dục âm nhạc cho người thưởng thức âm
nhạc, suy rộng ra là phải giáo dục văn hóa thì mới có con người văn hóa.
Nhà trường phổ thông cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi
mới dạy chữ.
Mỗi cá nhân văn hóa như một cây xanh tươi tốt là nhờ được cắm rễ rất
sâu vào mảnh đất truyền thống văn hóa để hút từ đó những dinh dưỡng tinh
hoa và luôn vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng lý tưởng của bầu trời
văn hoá đương đại.
Nhìn vào mỗi cây xanh kia, người ta có thể đoán cây ấy được trồng ở
mảnh đất văn hoá nào, quang hợp thứ ánh sáng nào. Đối với đất nước ta
hôm nay thì đó là mảnh đất văn hóa truyền thống và ánh sáng lý tưởng là
ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác Lênin./.
Nguyên Thanh (Văn nghệ Công an)