Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 21/9/2013 18:52'(GMT+7)

Cần ra luật về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và đại diện một số bộ, ngành Trung ương đã tham dự phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam đã trình bày Tờ trình mới của Chính phủ về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo Tờ trình của Chính phủ: các văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cứ trú tại nước ta để tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập, lao động, nghiên cứu khoa học...; đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý cho thấy một số quy định tại các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập như. Đó là, hệ thống văn bản pháp luật còn chưa thống nhất, chưa sát với thực tế, phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế; Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho khách nhập cảnh nhưng không quản lý...

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là yêu cầu khách quan, cấp thiết. Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh, cứ trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 8 chương, 46 điều quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tịch nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đã cơ bản nhất trí với sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, vấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị-pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong bối cảnh tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Theo các ý kiến, nội dụng dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại; cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật và cho rằng bố cục của dự thảo Luật cơ bản hợp lý, hệ thống được các nội dung cần quy định của dự thảo Luật... 

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, giải quyết cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam; quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt được chuyển đổi mục đích thị thực để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện và chặt chẽ trong công tác quản lý đồng thời, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn vai trò quản lý nhà nước đối với người nước ngoài cư trú tại địa phương; điều kiện cấp thẻ tạm trú, ký hiệu, thời hạn của thẻ tạm trú và nâng thời hạn của thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm. 

Một số ý cũng đề nghị, Ban soạn thảo xem xét lại quy định việc tạm trú của người nước ngoài tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu; nội dung chuyển đổi mục đích nhập cảnh; các trường hợp cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế; đồng thời rà soát, chỉnh lý lại một số khái niệm trong dự thảo Luật...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao những nội dung trong Tờ trình mà Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại một số điều, khoản của dự án Luật để bảo đảm tính pháp lý cao nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh bổ sung thêm những ý kiến của đại biểu và sớm hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp tới./. 

Nguyễn Cường (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất