Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 1/10/2013 17:3'(GMT+7)

3 tháng cuối năm: tăng cường đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức họp báo phát động chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Chiến dịch được thực hiện trong ba tháng, từ tháng 10/2013 đến hết tháng 12/2013.

Chiến dịch được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các cuộc tọa đàm với chủ đề rượu, bia và tai nạn giao thông; hội thảo bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc sản xuất, lưu thông, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo đồ uống có cồn; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, các biện pháp phòng chống vi phạm nồng độ cồn tại các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức ký cam kết không vi phạm... Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đồng thời tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Kể từ ngày 1-10, kết hợp tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm cưỡng chế và truyền thông để làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong 3 tháng cuối năm 2013. Đây là một trong 12 nội dung quan trọng của Chính phủ nhằm kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông. Các hoạt động này đã được thống nhất từ Trung ương, các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội đến các địa phương và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ.

 Theo đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam với dân số 90 triệu người, lượng tiêu thụ bia hằng năm từ 2011 đến 2016 sẽ tăng 10% mỗi năm. Hiện mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng gần 30 lít mỗi năm, đứng đầu Đông Nam Á, đứng tứ tư châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả khảo sát tại một số bệnh viện lớn, hơn 30% các ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), uống rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thương tích do tai nạn  đường bộ tại Việt Nam.
 
Trong chiến dịch này, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; thí điểm tuần tra, kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn áp dụng kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh. Việc thí điểm tại Quảng Ninh được thực hiện theo phương pháp kiểm soát chủ động tức là chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong người điều khiển phương tiện thay vì kiểm soát thụ động trước đây, khi người điều khiển phương tiện có các vi phạm cụ thể mới kết hợp kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả của đợt thí điểm này sẽ phác thảo bức tranh về lạm dụng rượu bia với nguy cơ mất an toàn giao thông, từ đó đề ra những chính sách phù hợp.

Hiện có 4 hãng bia lớn của nước ngoài có thị phần tại Việt Nam đã tiến hành ghi cảnh báo “đã uống thức uống có cồn thì không được lái xe” trên nhãn của mỗi sản phẩm, song, các nhà sản xuất trong nước lại chưa hề có động tĩnh gì. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ làm việc với Hiệp hội bia - rượu- nước giải khát Việt Nam để kêu tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các nhà sản xuất trong nước.

Bảo Châu




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất