Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải phòng kết nối tới 26 điểm cầu với sự tham dự của hơn 700 đại biểu thuộc các cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố, các đơn vị trong toàn quân.
Dự Hội thảo có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Đồng chủ trì Hội thảo còn có Thiếu tướng Hoàng Văn Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN - MỘT TRONG NHỮNG PHÁT KIẾN XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG TA
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nêu rõ, 60 năm trước đây, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong suốt 14 năm thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường bằng đường biển, dù có lúc gián đoạn do địch ngăn chặn quyết liệt, nhưng đã có hàng nghìn lượt tàu vào Nam, ra Bắc; vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ…, góp phần phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam, cùng với quân và dân ta ở miền Nam đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân 1975.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, cùng với thời gian, con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu của nó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là một kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch.
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu chính. (Ảnh: Thế Hoàng).
“Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại đó. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, quyết tâm đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt trước đại dịch COVID-19. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
CỦNG CỐ NIỀM TIN VÀ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN
Theo Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết, Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa, rút ra những bài học lịch sử từ kỳ tích của Đường Hồ Chí Minh trên biển; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Gần 90 báo cáo tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học… đã đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, đồng thời tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn:
Một là, phân tích làm rõ bối cảnh tình hình, diễn biến của cách mạng nước ta nói chung, cách mạng miền Nam nói riêng từ sau khi Hiệp định Giơnevơ; âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn hòng phá hoại Hiệp định, chia cắt lâu dài hai miền Nam - Bắc Việt Nam; chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuyển hướng đấu tranh, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn, tổn thất, phát triển lên một tầm cao mới.
Hai là, làm sâu sắc hơn về tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành nhạy bén, sáng tạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trong việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Phân tích làm rõ quyết tâm, quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện chi viện chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu. (Ảnh: Thế Hoàng).
Ba là, tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên các con “Tàu không số”; tôn vinh những chiến công, những tấm gương lao động, chiến đấu, hy sinh oanh liệt của tập thể, cá nhân; tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bốn là, phân tích làm rõ nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật quân sự Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng; những thành công của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ ác liệt, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”. Đồng thời, đi sâu phân tích làm rõ vai trò, đóng góp to lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tham gia nhiệm vụ vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa và chiến đấu bảo vệ Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Năm là, phân tích làm rõ nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay nói riêng; những vấn đề mới về quân sự, quốc phòng - an ninh trong Chiến lược Biển Việt Nam.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN VỀ TẦM VÓC, GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA TUYẾN VẬN TẢI HUYỀN THOẠI
Theo Ban Tổ chức Hội thảo, nhìn tổng thể, các tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn về ý chí và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và tổ chức thành công tuyến vận tải chi viện chiến lược trên biển, góp phần quan trọng vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Thành công của Hội thảo không chỉ khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà thông qua đó, nêu lên những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với phóng viên báo chí. (Ảnh: Thế Hoàng).
Theo đó, cùng với nhiều nội dung kết luận Hội thảo, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị:
Thứ nhất, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử… tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới Đường Hồ Chí Minh trên biển để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm chiến lược đặc biệt này.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhằm đưa các kết quả nghiên cứu từ Hội thảo được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong thực tiễn.
Thứ ba, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi để cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, hiểu rõ về tầm vóc, giá trị lịch sử của tuyến vận tải huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Qua đó, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ “Đoàn tàu không số” tại Di tích Bến K15, chiều 18/10. (Ảnh: Thế Hoàng).
* Trước đó, chiều 18/10, tại Di tích Bến K15 (quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng), Đoàn đại biểu dự Hội thảo do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ “Đoàn tàu không số”. Dự lễ dâng hương có Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại biểu lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết và các đại biểu thăm hỏi cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” Đinh Xuân Giống (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) chiều 18/10. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng).
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Quân ủy Trung ương do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” trên địa bàn TP. Hải Phòng. Cùng đi có Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Chính ủy Quân khu 3; Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân; đại diện lãnh đạo địa phương và một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng./.
Thế Hoàng