Một trong những nguyên tắc quan trọng của phép dưỡng sinh là phải tuân thủ nghiêm quá trình tiêu trưởng, biến hóa tự nhiên của âm - dương bốn mùa, trong đó có mùa Xuân.
Theo Y học cổ truyền, con người và trời đất là tương ứng. Hoạt động sống của con người và vạn vật đều là kết quả của sự tác động qua lại khăng khít giữa khí dương và khí âm. Trong cơ thể con người, khí dương ôn ấm có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát dục của nhân thể, làm cho khí huyết lưu thông, nâng cao sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các nhân tố gây bệnh... Khí dương chính là động lực và năng lượng của sự sống, mà xuân hạ lại thuộc khí dương. Do vậy bắt buộc con người phải dưỡng dương để cho khí dương trong cơ thể luôn được nuôi dưỡng đầy đủ, mạnh mẽ. Việc dưỡng này hội tụ 3 điều kiện: Thuận dương sơ phóng, trợ dương tán nhiệt và dưỡng dương hộ sinh. Trong khung cảnh đất trời tràn đầy sức sống, mọi vật trở nên tốt tươi thì con người cần giữ cho tinh thần luôn thư thái, lạc quan, tránh buồn phiền, giận giữ, cơ thể thư giãn, mặc đồ thoáng rộng, giữ thoáng vùng đầu vì đây là nơi dương khí hội tụ nên không đội mũ quá chật, hay buộc tóc quá chặt, đi bách bộ để khí dương được tự do vươn trải. Vào mùa đông, khí dương trong cơ thể luôn tiềm phục, con người thường ở trong nhà, mặc nhiều quần áo, ăn đồ nóng, dùng thuốc bổ dương... nên tích tụ nhiệt tà. Khi mùa Xuân đến, khí ấm tăng dần, con người thường dậy sớm hơn, hoạt động bên ngoài nhiều hơn, ít ăn, uống những đồ có tính nhiệt, trọng dụng các chất cay ấm và dễ phát tán nhằm giúp cho khí dương trong cơ thể phát tán ra ngoài. Ba tháng mùa Xuân, mộc khí vượng, khí trời đất phát sinh, vạn vật tươi tốt vì thế dưỡng sinh mùa này còn thể hiện ở chỗ bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống, không triệt phá cây, giết hại động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Vào đầu mùa Xuân, khí hậu có nhiều thay đổi, dương khí mới sinh, khí lạnh (hàn) vẫn còn, gió (phong) không mạnh nhưng xuất hiện nhiều. Phong và hàn kết hợp với nhau dễ xâm nhập vào cơ thể làm phát sinh cảm mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật cũ tái phát. Hơn nữa về mùa này da thưa mở, năng lực chống đỡ hàn tà giảm dần. Vì vậy để tránh sự xâm nhập của phong hàn mọi người cần mặc quần áo đủ ấm, đặc biệt giữ ấm vùng lưng và chân, không để nhiễm lạnh vào buổi sáng sớm và nửa đêm.
Y gia Trương Cảnh Nhạc đã từng nói, “Xuân ứng can nhi dưỡng sinh” có nghĩa là Xuân về, tiết trời ấm khiến cho quá trình chuyển hóa, thay cũ đổi mới trong cơ thể ngày càng vượng, khí huyết vận hành nhanh hơn, nhu cầu về dinh dưỡng nhiều hơn. Vì thế, cần phải chú ý bảo dưỡng tạng can. Can chủ về sơ tiết (làm cho thông suốt), trông coi sự phân bố dương khí toàn thân, can tàng trữ và có khả năng điều tiết lượng huyết dịch trong cơ thể. Can còn có công năng điều chỉnh tình cảm, bài tiết dịch mật, trợ giúp quá trình hấp thu. Tạng can có khỏe thì khí huyết trong cơ thể mới điều hòa, kinh mạch thông lợi, các cơ quan tạng phủ hoạt động phối hợp nhịp nhàng. Do đó trong phép dưỡng sinh này, con người phải giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, lạc quan, ăn uống đủ chất và cân đối, vận động, rèn luyện và nghỉ ngơi hợp lý, lựa chọn và ưu tiên dùng các thực phẩm và dược phẩm có tác dụng bổ can, dự phòng sự tái phát của các bệnh gan mạn tính.
Y học cổ truyền lý luận, vào mùa Xuân, can khí vượng nhất, tâm khí tăng, phế khí suy, thận khí yếu dần và tỳ khí yếu nhất. Vào mùa này con người dễ bị cảm mạo, viêm khí phế quản, sởi, ho gà, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Vì thế trong dưỡng sinh mùa Xuân, ngoài việc chú trọng bổ dưỡng tạng can còn phải chú ý đến hai tạng tỳ và phế. Để tránh hàn tà, bảo vệ phế khí, nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh tật, mọi người không nên ăn quá no, tránh uống những thứ khó tiêu và không để lạnh lưng.
Theo Bs. Nguyễn Khánh/Đại đoàn kết.vn