Sự cố đứt cáp quang biển là bất khả kháng nhưng theo Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có
trách nhiệm và cáo lỗi với người tiêu dùng.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng khẳng định, việc cáo lỗi với người dùng là văn hóa kinh
doanh, ứng xử với khách hàng.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan này sẽ đưa ra
khuyến cáo với các nhà mạng về vấn đề trên và thậm chí việc cáo lỗi cần
được thực hiện kể cả khi có sự cố nghẽn mạng di động.
Cũng theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet hiện
cũng phải chịu áp lực lớn khi Việt Nam chưa có năng lực xây dựng đường
cáp độc lập. Thực tế, những đường cáp quang đang sử dụng hiện tại đều
phải hợp tác với các đơn vị nước ngoài.
Nói về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều
này có thể xuất phát từ hoạt động của tàu bè trên biển gây va quệt hoặc
do lưới cào của ngư dân.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, không thể loại trừ nguyên
nhân phá hoại bên cạnh những hoạt động vô tình khác của con người.
Bởi vậy, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan này đã
chỉ đạo các tập đoàn phải gia cố, bảo vệ an toàn hơn nữa tuyến cáp quang
biển đồng thời xây dựng thêm tuyến cáp mới.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện lưu lượng sử dụng cáp quang biển
khá lớn nên hiện các đơn vị đang triển khai 2 đường truyền đường bộ qua
Trung Quốc. Dự kiến, tuyến cáp này sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Về phía Viettel, Bộ trưởng cho hay, đơn vị này hiện cũng đang đầu tư
thêm tuyến cáp quang mới để có nhiều đường truyền internet, tránh sự cố
đáng tiếc.
Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang biển AAG (Asia
America Gateway), sáng 23/4, tuyến cáp quang biển khu vực Châu Á Thái
Bình Dương đã gặp sự cố. Dự tính thời gian sửa chữa đường cáp biển có
thể kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng./.
(Vietnam+)