Trong khi cải cách bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết và các chuyên
gia cho rằng sẽ phải điều chỉnh mức hưởng lương hưu với tỷ lệ thấp hơn.
Tuy nhiên, điều này sẽ gây một cú sốc lớn đối với người lao động về hưu
tại thời điểm điều chỉnh khi hưởng lương thấp hơn so với những người về
hưu trước.Để người lao động có thể chuẩn bị cho quá trình cải cách này, Chính phủ
Việt Nam sẽ tiến hành thí điểm quỹ hưu trí bổ sung vào năm 2014. Hệ
thống bảo hiểm này khi đi vào thực tế sẽ hỗ trợ mức lương hưu cơ bản cho
người lao động trong tương lai.
Thu nhập thêm khi giảm lương hưu cơ bản
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, việc
tăng lương hưu theo mỗi lần tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất
lớn cho ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính áp lực này đã
khiến cho quá trình cải cách tiền lương trong thời gian qua gặp rất
nhiều khó khăn.
Hàng năm, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho việc điều chỉnh
lương hưu là rất lớn, trên 3.000 tỷ đồng và có xu hướng tiếp tục gia
tăng nhanh trong những năm tới. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc
cân đối ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, trong bối
cảnh quỹ hưu trí đang đứng trước nguy cơ không đủ khả năng chỉ trả trong
20 năm tới.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, cải cách bảo hiểm xã hội sẽ là điều
tất yếu, trong đó, sẽ không tránh khỏi việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương
hưu trong tương lai. Vì vậy, thiết lập một hệ thống bảo hiểm hưu trí bổ
sung là một điều hết sức quan trọng để tiến tới có thể thực hiện những
cải cách mạnh mẽ trong tương lai.
Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hệ thống lương hưu sẽ phát triển
theo hướng đa tầng, bên cạnh tầng lương hưu cơ bản sẽ có các tầng lương
hưu bổ sung.
“Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là tiền đề để cải cách hưu trí trong các
giai đoạn sau, khi hệ thông hưu trí cơ bản nhà nước chỉ đảm bảo lương
hưu ở mức sàn với tỷ lệ hưởng thấp hơn hiện nay, còn mức gia tăng lương
hưu sẽ nằm ở hưu trí bổ sung,” ông Phạm Trường Giang nói.
Như vậy, trong tương lai, người lao động sẽ cần khoản lương từ quỹ hưu trí bổ sung để đảm bảo thu nhập khi về hưu
Duy nhất Việt Nam tại APEC chưa có quỹ hưu trí bổ sung
Trên thế giới, quỹ hưu trí bổ sung là một chính sách bảo hiểm thiết yếu
trong hệ thống hưu trí của các nước phát triển và đang phát triển, đã có
hơn 80 nước đã triển khai quỹ này, hầu hết các nước trong khối ASEAN đã
thực hiện chính sách bảo hiểm này.
Trong khối các nước APEC cũng chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai hưu trí bổ sung.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, hưu trí cơ bản chưa bao giờ
được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Tại Thái Lan, lương từ hưu
trí cơ bản chiếm 60% và hưu trí bổ sung chiếm 20% nguồn thu nhập hưu
trí. Thậm chí tại Pháp, hưu trí cơ bản chỉ chiếm 20-25%, thu nhập từ hưu
trí bổ sung chiếm 50-60% lương hưu.
Tại Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu của người lao động và mong muốn ổn
định lực lượng lao động, thu hút được lao động có chất lượng cao, mặc dù
chưa có khung pháp lý, song đã có không ít doanh nghiệp FDI hình thành
quỹ hưu trí bổ sung như: Công ty Unilever Việt Nam, Công ty trách nhiệm
hữu hạn Nestle Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam… Quỹ này đã được
thực hiện đối với hàng nghìn lao động.
Tuy nhiên, ông Pham Trường Giang cho biết, do số tiền trích vào quỹ
không được tính vào chi phí của doanh nghiệp nên khi nhận tiền người lao
động phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nhà nước.
Cũng chính vì chưa có chính sách đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung nên cơ
chế hình thành, hoạt động và quản lý của các quỹ này mỗi doanh nghiệp
cũng khác nhau, không thống nhất và mang tính tự phát.
Không có quy định về khung khổ pháp lý nên khi có khiếu kiện, tranh chấp
xảy ra sẽ dẫn tới những hệ quả khó xử lý. Chính vì thế, cần thiết phải
có khung pháp lý để điều chỉnh quan hệ giữa người lao động và chủ sử
dụng lao động, đồng thời tạo điều kiện để người sử dụng lao động chăm lo
cho người lao động.
Đền bù tổn thất cho công chức
Đánh giá về tính khả thi khi triển khai thực hiện quỹ hưu trí bổ sung,
ông Phạm Trường Giang cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là hiểu biết
của cả người lao động và doanh nghiệp về chính sách này còn hạn chế.
Người lao động, xã hội sẽ dễ nhầm lẫn giữa quỹ hưu trí bổ sung phi lợi
nhuận, mang tính xã hội với rất nhiều các sản phẩm hưu trí mang tính
chất lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp.
Mặt khác, trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng chính
sách bảo hiểm này sẽ không nhận được sự ủng hộ của đa số doanh nghiệp và
người lao động.
Ông Đặng Quang Điều, trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn
lao động Việt Nam) cho rằng: “Đây là một chính sách rất tốt, sẽ đảm bảo
thu nhập cho người lao động khi về hưu trong 20-30 năm nữa nhưng tại
thời điểm hiện tại sẽ rất khó để triển khai rộng rãi.”
Mặc dù sẽ cần thời gian để triển khai quỹ hưu trí bổ sung tới đa số các
doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp phát triển tốt đã nắm bắt cơ hội
tạo thu nhập ổn định cho người lao động của mình khi về hưu bằng việc
chủ động đăng ký tham gia thí điểm thực hiện quỹ hưu trí bổ sung.
“Chỉ mới thực hiện thí điểm, nhưng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã
nhận được đơn đề nghị tham gia của hơn 20 doanh nghiệp ở Việt Nam bao
gồm cả các tập đoàn nhà nước, tập đoàn đa quốc gia và cả doanh nghiệp tư
nhân của Việt Nam đang làm ăn hiểu quả.
Các đơn vị này đều coi đây là công cụ hỗ trợ người lao động và gắn bó
người lao động với doanh nghiệp,” ông Phạm Trường Giang nói.
Ông Carlos Galian, Chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động
Quốc tế tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, chương trình chương trình hưu trí
bổ sung (hoặc chương trình hưu trí nghề nghiệp như nhiều nước vẫn gọi)
đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cải tổ bảo hiểm xã hội.
“Tôi cho rằng chương trình này khi áp dụng cho công nhân viên chức, nó
có thể giúp đền bù những tổn thất do những thay đổi trong cách tính
lương hưu gây ra, đảm bảo quá trình cải cách bảo hiểm xã hội không tạo
nên những cú sốc quá lớn với người lao động,” ông Carlos Galian nói./.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm tự nguyện. Các khoản
đóng góp của người lao động và doanh nghiệp sẽ hình thành quỹ hưu trí bổ
sung. Hoạt động đầu tư của quỹ sẽ được quy định tối thiểu 70% đầu tư
vào trái phiếu chính phủ để tránh rủi ro.
Hình thức đóng góp bảo hiểm xã hội bổ sung là người lao động và chủ sử
dụng lao động đóng với tỷ lệ thỏa thuận theo trong hợp đồng lao động
nhưng người lao động đóng tối đa không quá 50%. Mỗi người lao động sẽ có
tài khoản riêng và truy vấn được số tiền bảo hiểm hưu trí bổ sung mà
mình và chủ sử dụng lao động đã đóng bất cứ thời điểm nào.
Dự kiến, đề án thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ và thực hiện trong năm
2014./.
|
TTX