Ông Lê Quang Lân - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) - cho biết:
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) bắt đầu thực thi từ năm 2005. Mục tiêu của hiệp định là trong mười năm sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do, không thuế quan giữa các nước ASEAN - Trung Quốc.
Năm 2010 là một năm quan trọng với sáu nước ASEAN cũ là Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei khi 90% dòng thuế sẽ giảm xuống mức 0-5%, trong đó chủ yếu là 0%.
Riêng VN từ năm 2010 cũng bắt đầu cắt giảm để đến năm 2015, 90% dòng thuế đối với hàng Trung Quốc sẽ về 0-5%. Tuy thực hiện chậm hơn nhưng ta vẫn được hưởng đầy đủ ưu đãi của Trung Quốc như các nước ASEAN khác.
Hàng Trung Quốc chưa được giảm thuế đã tràn ngập, hiệp định này sẽ mở ra những thách thức lớn hơn đòi hỏi doanh nghiệp VN cần nhanh chóng nhận thức và vào cuộc?
Phải nói thách thức khi cắt giảm thuế quan với hàng Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên VN cũng có cơ hội.
Thực tế trong chương trình thu hoạch sớm, mặc dù VN chưa giảm thuế mạnh cho Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc đã giảm thuế trước cho hàng VN. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của VN đã xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc thời gian gần đây.
Trên nguyên tắc, chương trình thu hoạch sớm rất có lợi cho VN với nhiều hàng nông sản như rau quả, thủy, hải sản... được giảm thuế. Vì vậy, riêng những mặt hàng theo chương trình thu hoạch sớm VN lúc nào cũng xuất siêu.
Chương trình đang mang lại nhiều lợi ích cho VN vì tất cả hàng nông sản xuất vào Trung Quốc đều cơ bản đã có thuế suất 0%. Từ năm 2004 đến nay, năm nào ta cũng xuất siêu. Riêng năm 2008 trong chương trình thu hoạch sớm, VN xuất khẩu sang Trung Quốc 365 triệu USD, nhập khẩu 131 triệu USD.
Chúng ta cũng bước đầu xuất khẩu được nhiều sản phẩm may mặc, giày dép, thiết bị sang Trung Quốc với tỉ trọng ngày một tăng. Tôi xin nhấn mạnh doanh nghiệp của ta vẫn cần chủ động hơn nữa để tận dụng ưu đãi của ACFTA trong các năm tới.
Nhưng từ năm 2010 VN sẽ phải bắt đầu giảm thuế cho hàng Trung Quốc?
- Với VN, năm 2010 chưa phải là thời điểm quyết định vì những dòng thuế cao của ta sẽ chưa về mức 0-5%, mà chủ yếu sẽ về mức 10-20%. Mức thuế như vậy thì việc bảo hộ vẫn mang tính hiệu quả.
Trung Quốc và các nước ASEAN 6 hoàn thành giảm thuế xuống 0-5% đối với 90% dòng thuế vào năm 2010, nhưng với VN thực hiện chậm hơn năm năm. Lộ trình đến năm 2015 VN sẽ cắt giảm thuế từ 0-5% và từ năm 2015 trở đi sẽ cắt giảm đến 0%. Có hơn 8.000 dòng thuế như vậy sẽ phải cắt giảm. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng để có thể cạnh tranh hiệu quả.
Đáng chú ý, VN sẽ phải cắt giảm thuế cho nhiều mặt hàng vốn đang cạnh tranh vất vả và cũng là hàng thế mạnh của Trung Quốc như dệt may, giày da...?
- Đúng vậy, Bộ Tài chính đã công bố lộ trình đến năm 2011. Một số nhóm mặt hàng cần bảo hộ nhất chúng ta đã đưa vào nhóm mặt hàng nhạy cảm cao, tức sẽ chỉ giảm thuế đến mức 50%.
Với nhóm “nhạy cảm”, lộ trình cắt giảm thuế cũng chậm hơn, đến năm 2015 mức thuế mới xuống khoảng 20% và sẽ tiếp tục giảm xuống 5% vào năm 2020. Các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ lộ trình giảm thuế này.
Theo hiệp định, một số sản phẩm trong lĩnh vực dệt may, hàng tiêu dùng, đồ chơi... sẽ cắt giảm về mức 0-5%. Như vậy, một số ngành sản xuất trong nước không có khả năng cạnh tranh sẽ phải cơ cấu lại hoặc rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, ở đây cũng phải nhìn ra cơ hội cho doanh nghiệp nước ta. Tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc rất lớn. Việc cắt giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp VN tiếp cận nguyên liệu dễ và rẻ hơn, từ đó giúp hàng sản xuất trong nước cạnh tranh hơn.
Có một thực tế là nhiều hàng tiêu dùng trong nước thường bị cạnh tranh do hàng giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc bị thẩm lậu qua đường tiểu ngạch. Khi thuế giảm, mức chênh lệch giữa nộp thuế và đi theo tiểu ngạch không đáng kể thì hàng lậu sẽ giảm, người ta sẵn sàng đi theo chính ngạch, ta sẽ quản lý được mà lại giảm thiểu hàng nhập lậu. Hàng VN sẽ cạnh tranh bình đẳng hơn.
Thưa ông, gần đây một số nước ASEAN đề nghị hoãn thực hiện hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vì lo hàng của Trung Quốc sẽ tràn ngập. VN đã nhận được và xử lý thông tin này chưa?
- Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Indonesia. Nhưng việc Indonesia yêu cầu hoãn hoặc giãn tiến độ thực hiện cam kết giảm thuế do sức ép cạnh tranh quá khốc liệt trong một số nhóm hàng là có thể xảy ra.
Trong quá trình đàm phán, kịch bản này đã được đặt ra rồi ở hai khả năng. Thứ nhất, một nước khi chứng minh được việc giảm thuế theo hiệp định khiến nhập khẩu một số mặt hàng tăng mạnh, gây tổn hại cho các doanh nghiệp trong nước thì được tiến hành biện pháp tự vệ và được tạm dừng nhập khẩu. Nếu đạt sự đồng thuận, họ có quyền tạm thời chưa cắt giảm thuế trong vòng ba năm và có thể được kéo dài thêm một năm, tức tối đa bốn năm. Khả năng thứ hai cao hơn, một quốc gia có quyền yêu cầu đàm phán lại lộ trình cắt giảm thuế. Điều đó hoàn toàn được phép trong hiệp định nhưng với điều kiện phải được sự đồng thuận chung, đặc biệt từ nước bị ảnh hưởng.
* Trong điều kiện hàng Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho VN, chúng ta có thể tự vệ hay yêu cầu đàm phán lại không, thưa ông?
- Thông thường để tự vệ hay đàm phán lại thì cần sự trao đổi, đồng thuận. Các nước có thể tự vệ nhưng thường phải theo ngành hàng chứ không thể cùng một lúc đưa ra một loạt sản phẩm. VN trong quá trình thực hiện nếu có những ngành hàng nào gặp khó khăn thì ta cũng có quyền yêu cầu được tự vệ hoặc điều chỉnh cam kết. Nhưng thật ra điều này cần cân nhắc, vì khi mình tự vệ thì họ cũng sẽ cân nhắc rút một số ưu đãi cho mình.
* Ông Diệp Thành Kiệt (phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM): Hàng rào kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh
Với ngành dệt may, các doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường nội địa chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Chính phủ và các doanh nghiệp không lên kế hoạch đối phó với thực trạng hàng giá rẻ đổ bộ hợp pháp vào thị trường trong nước một cách quyết liệt.
Nội lực của các doanh nghiệp trong nước chưa thật sự đủ mạnh, đủ lớn để có thể đương đầu chịu sức ép mở cửa vô điều kiện (thuế suất 0%), trong khi các hàng rào kỹ thuật cần thiết vẫn chưa hoàn chỉnh.
Chẳng hạn chúng ta chỉ mới có quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may đối với sản phẩm nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh tại thị trường VN, trong khi hàng loạt tiêu chuẩn khác về độ bền chắc, chống cháy, dễ phân hủy... chúng ta vẫn chưa có thì làm sao “gác cửa” được thị trường nội địa?
* Ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch Hiệp hội Da giày VN): Vẫn kịp, nếu có sự chuẩn bị
Chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được nếu Chính phủ và các doanh nghiệp có sự chuẩn bị một cách hệ thống, đầu tư bài bản vào hệ thống kênh phân phối, chủ động khâu nguyên phụ liệu và các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan.
Với lộ trình từ 3-5 năm, tôi nghĩ chúng ta vẫn còn đủ thời gian để các bộ ngành xây dựng được những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, không chỉ bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc mà còn có thể bảo vệ được nền sản xuất trong nước một cách hợp lý. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình một cách bài bản. |
Cẩm Văn Kình - Tuổi Trẻ