Trong 10 năm qua, lĩnh vực xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu lớn: Tổng kim ngạch XK của cả nước ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, từ 2,4 tỷ USD trong năm 1990 lên trên 5,4 tỷ USD năm 1995, lên gần 14,5 tỷ USD năm 2000, lên gần 32,5 tỷ USD năm 2005, lên trên 39,8 tỷ USD trong năm 2008 và đạt 62,9 tỷ USD năm 2008.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP tới 2,7 lần (bình quân 7,6%/năm).
Một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng
10 năm xuất khẩu đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý. Để giải quyết được vấn đề tăng trưởng XK phải giải quyết được 4 vấn đề lớn là cơ cấu mặt hàng XK, chính sách XK, xúc tiến thương mại và chính sách tỷ giá. Theo ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại trước đây) để thúc đẩy XK thì việc thay đổi cơ cấu mặt hàng XK là vấn đề quan trọng nhất. Và trong những năm qua, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện theo chiều hướng đa dạng hóa, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, hải sản, giảm tỷ trọng loại hàng hóa chưa qua chế biến.
Nếu năm 1991 kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tới 52,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, còn hàng hóa ngành công nghiệp nặng và khoáng sản là 33,4% và tỷ trọng hàng công nghiệp nhẹ - tiểu thủ công nghiệp là 14% thì đến năm 2000, các con số tương ứng là 30,1%, 35,6% và 34,3%.
Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn 2006-2010, nhóm sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ dự kiến sẽ là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với trung bình 36,3%/năm, chiếm 50,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả giai đoạn. Năm 2006 tỷ trọng của nhóm này là 45,9% và dự báo tăng lên 54,1% vào năm 2010 với kim ngạch trên 39 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam càng ngày càng mở rộng và cơ cấu thị trường cũng có sự thay đổi. Trong hơn mười năm đã có 200 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, trong đó có trên 28 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập trên 100 triệu USD. Nhập trên 500 triệu USD có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 7 quốc gia nhập trên 1 tỷ USD, đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Đức, Malaysia, Anh.
Trong đó, Việt Nam đã có vị thế xuất siêu đối với 159 nước và vùng lãnh thổ, trong đó xuất siêu lớn là Mỹ, Australia, Anh, Philippines, Đức, Bỉ,...
Việt Nam còn ở vị thế nhập siêu đối với 47 nước và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều nhất là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Kuwait,...
Việt Nam cũng đã giành nhiều thị phần hơn so với Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt, đó là kết quả vừa được công bố từ cuộc khảo sát của trường Đại học Thương mại Thái Lan khi nghiên cứu về việc xuất khẩu giữa hai nước tại các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Vallop Vitanakorn - Phó Chủ tịch Hiệp hội tàu thủy quốc gia Thái Lan (NTSA) cho rằng, nhiều ngành công nghiệp của nước này sẽ mất dần sức cạnh tranh trước Việt Nam, trong đó có dệt may, nông sản, điện tử và chế biến thực phẩm.
Các định hướng lớn cho năm 2010
|
Gạo - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. |
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu của các nước là thước đo đánh giá kết quả của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển trong mối quan hệ tùy thuộc vào nhau giữa các quốc gia. Hoạt động xuất nhập khẩu còn là yếu tố quan trọng nhằm phát huy mọi nguồn nội lực, tạo thêm vốn đầu tư để đổi mới công nghệ, tăng thêm việc làm, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 56,2 tỷ USD. Đánh giá về kết quả XK của 2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, do sụt giảm về giá nên giá trị XK chưa đạt như mục tiêu. Nhìn rộng ra, đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước trong khu vực với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều giảm 20 - 30%.
Tuy nhiên, năm 2010 đã đưa lại nhiều triển vọng và thuận lợi hơn khi kinh tế thế giới bước sang giai đoạn phục hồi và có khả năng tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3,2%. Vấn đề là các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong xuất khẩu.
Bộ Công Thương khi họp bàn về kế hoạch XK năm 2010 đã gợi ý những định hướng lớn cho doanh nghiệp.
Thứ nhất là cần tìm cách mở ra những thị trường mới để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào Mỹ, EU, Nhật Bản. Thị trường châu Phi, Trung Đông, châu Đại Dương và ngay cả thị trường châu Á đều được đánh giá là sẽ phục hồi rất nhanh.
Thứ hai, có nhiều mặt hàng có khả năng phát triển xuất khẩu trong năm 2010. Chẳng hạn, 80% lượng cao su tự nhiên được dùng cho ngành công nghiệp lắp ráp ôtô, trong khi dự báo cho thấy thị trường ôtô sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2010. Hiện, khả năng cung cấp cao su của nhiều nước trên thế giới đang giảm, nên nhiều dự báo cho thấy giá cao su sắp tới tương đối tốt. Mặt hàng gạo cũng có khả năng phát triển, vấn đề là chúng ta làm thế nào bán ở giá tốt nhất, lựa chọn đơn hàng và đấu thầu một cách khôn khéo để chọn được giá tốt.
Một vấn đề khác là trong nội bộ các doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn tới ghìm giá nhau hoặc giảm giá đi để bán lấy được.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý rằng trong năm 2010 sẽ có thêm rất nhiều rào cản và những quy định mới của các thị trường. Ví dụ, một số chuyên gia cho rằng, xu hướng của ngành dệt may trong năm 2010 là các nhà đặt hàng sẽ chỉ nêu ý tưởng, doanh nghiệp phải thiết kế mẫu mã. Thị trường EU sẽ đưa ra những rào cản rất khó vượt qua cho ngành thủy hải sản, như quy định truy xuất nguồn gốc thủy hải sản đánh bắt…
Các doanh nghiệp cũng không thể không tính đến một số biện pháp mang tính chất bảo hộ, thậm chí cố tình đưa ra những thông tin xấu tại một số thị trường như trong việc xuất khẩu cá tra, cá basa thời gian qua…
(Theo: Công Trí/Cổng TTĐTCP)