Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 28/4/2015 21:19'(GMT+7)

EU hỗ trợ Ukraine cải thiện môi trường nhà máy Chernobyl

Người dân Ukraine đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài các nạn nhân của thảm họa Chernobyl ngày 26/4 tại Slavutich, cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn 50km. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dân Ukraine đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài các nạn nhân của thảm họa Chernobyl ngày 26/4 tại Slavutich, cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn 50km. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuyên bố trên được Ủy ban châu Âu (EC) công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra hôm 27/4 tại thủ đô Kiev.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết khoản hỗ trợ bổ sung lần này sẽ giúp Ukraine phục hồi môi trường nhà máy Chernobyl sau thảm họa cách đây 29 năm.

Theo ông Juncker, cho đến nay, EU đã cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ chưa từng có tổng cộng lên tới 360 triệu euro với nhiều dự án liên quan tới nhà máy Chernobyl, đặc biệt là việc xây dựng vùng bảo vệ an toàn xung quanh lò phản ứng số 4 bị phá hủy trong thảm họa xảy ra hồi năm 1986.

Tập đoàn Novarka khởi công xây dựng vùng an toàn nói trên từ năm 2010 và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2017 tới với tổng chi phí lên đến 1,5 tỷ euro.

Mục đích của dự án là nhằm bảo vệ môi trường bức xạ và thiết lập hệ thống hạ tầng cho việc tháo dỡ cốppha và phần còn sót lại của lò phản ứng cũng như việc quản lý chất thải hạt nhân.

Dự kiến, ngày 29/4 sẽ diễn ra hội nghị tại London (Anh) nhằm tìm kiếm khoản bổ sung 615 triệu euro cho nguồn kinh phí còn thiếu để hoàn thiện việc xây dựng khối bảo vệ lò hạt nhân (SIP).

Hội nghị này sẽ do Đức chủ trì, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7).

Ngoài phần đóng góp của EC, các quốc gia thành viên EU cũng cam kết chi 420 triệu euro cho dự án này.

Cho đến nay, EC đã cam kết một khoản hỗ trợ tài chính lên đến hơn 600 triệu euro cho các dự án của Chernobyl về công nghiệp, sản xuất điện, các dự án xã hội và các dự án nghiên cứu.

Ngày 26/4/1986, tổ máy số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ, gây ra nguy cơ nhiễm xạ cho một khu vực rất rộng ở châu Âu, trong đó trung tâm là Ukraine, Belarus và Nga.

Theo ước tính, lượng phát xạ từ tai nạn này tương đương 400 quả bom nguyên tử từng được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Con số chính thức của Liên hợp quốc về thương vong trong vụ nổ là 31 người bao gồm nhân viên nhà máy và các lính cứu hỏa, song nhóm chuyên gia môi trường của Tổ chức Hòa bình Xanh dự báo số người chết do bệnh ung thư, hậu quả của nhiễm xạ, lên tới 100.000 người./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất