Đảo Aruba của Hà Lan, đảo quốc Barbados và vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh đã được đưa ra khỏi danh sách "quyền hạn phi hợp tác về thuế" của EU.
Ngày 17/5, tại các cuộc họp ở thủ đô Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại 3 nước và vùng lãnh thổ ra khỏi danh sách đen "thiên đường thuế."
Cụ thể, đảo Aruba của Hà Lan, đảo quốc Barbados và vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh đã được đưa ra khỏi danh sách "quyền hạn phi hợp tác về thuế" của EU.
Như vậy, hiện trong danh sách đen "thiên đường thuế" của EU vẫn còn 12 nước và vùng lãnh thổ, gồm Belize, Dominica, Fiji, Oman, Samoa, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trinidad và Tobago, Vanuatu cùng với 4 vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam và các quần đảo Virgin và Marshall.
Danh sách đen các "thiên đường thuế" bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Ý tưởng lập danh sách này của EU được khởi xướng từ tháng 4/2016 sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," trong đó Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới.
Đến tháng 12/2017, tất cả 28 nước thành viên EU đã lập danh sách đen các "thiên đường" trốn thuế này.
Những quốc gia cam kết thay đổi các quy định thuế trước một thời hạn chót được EU đặt ra sẽ được đưa ra khỏi danh sách này.
"Hồ sơ Panama" là vụ tiết lộ tài liệu mật gây chấn động nhất trong lịch sử, lớn hơn cả vụ tiết lộ Wikileaks năm 2010, vì phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.
Hơn 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu đã được công ty luật Mossack Fonseca của Panama tiết lộ cho hơn 370 phóng viên từ hơn 70 quốc gia khác nhau thẩm định.
Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ tài sản ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.
Các tài liệu bị tiết lộ liên quan đến khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới, trong đó có 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia, và 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới.
Các cuộc điều tra liên quan đến "Hồ sơ Panama" vẫn đang tiếp tục./.
Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)