Dự kiến kế hoạch về những cam kết hợp tác mới này sẽ được công bố vào
tháng 3/2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hiệp ước thành lập EU được ký kết
tại Rome.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel
khẳng định việc Anh rời EU đã khiến khối này rơi vào một tình huống
"nghiêm trọng," chính vì thế các nhà lãnh đạo châu Âu trong 6 tháng tới
cần phải có một kế hoạch hành động để giải quyết từng vấn đề. như người
nhập cư và an ninh biên giới vùng ngoài.
Theo bà Merkel, EU cần phải có sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa - những
giá trị đã được các nước sáng lập EU nhất trí vào năm 1957.
Tuy nhiên, bất đồng trong việc xử lý dòng người nhập cư lớn vào châu Âu vẫn tiếp diễn.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần này đã
thất bại trong việc thay đổi các chính sách về người nhập cư của EU mà
ông gọi là "tự hủy diệt và ngây thơ."
Dự kiến Thủ tướng Orban sẽ thúc đẩy một kế hoạch liên quan đến vấn đề
này tại hội nghị các nước khu vực Balkan vào ngày 24/9 tới.
Nhiều năm khủng hoảng kinh tế đã khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ở khu
vực phía Nam châu Âu, trong khi hàng loạt vụ tấn công do các phần tử Hồi
giáo cực đoan thực hiện cũng như dòng người nhập cư kỷ lục từ những
nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Afghanistan và Iraq đã khiến
nhiều cử tri các nước châu Âu quay sang ủng hộ các đảng phái có tư tưởng
phản đối EU.
Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh EU lần này, được gọi là không
chính thức do Anh không tham dự, được tổ chức nhằm mục tiêu vãn hồi lòng
tin của người dân về EU, vốn nhiều thập kỷ qua được xem là tổ chức tổ
chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của châu Âu, song giờ đây được
giới chức khu vực thừa nhận hiện trong một cuộc "khủng hoảng hiện
tồn"./.
Theo TTXVN