Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 17/9/2016 20:51'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Triển vọng hòa bình và nguy cơ chiến tranh

Binh sỹ Lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do. (Ảnh: AP)

Binh sỹ Lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do. (Ảnh: AP)

1. Hy vọng về một nền hòa bình cho Syria một lần nữa được nhen nhóm khi các bên tham chiến nhất trí thực hiện lệnh ngừng bắn mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9. Lệnh ngừng bắn này do Nga và Mỹ làm trung gian, có giá trị trên toàn lãnh thổ Syria, trừ các khu vực do lực lượng thánh chiến Hồi giáo kiểm soát. Đây được coi là “ cơ hội vàng” để các bên tiến hành đàm phán, giảm xung đột; tạo ra một cơ chế toàn diện đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài, khôi phục hòa bình bằng con đường ngoại giao.

Theo thỏa thuận, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga ủng hộ và những nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn ngừng hành động thù địch trong 7 ngày, sau đó gia hạn thêm 2 ngày, để cho phép đưa hàng viện trợ vào các thành phố đang bị bao vây. Mỹ và Nga cũng bắt đầu thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ thông tin nhằm vào các nhóm khủng bố liên quan tới al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mục đích là tách các nhóm đối lập Syria được phương Tây và các nước Arab ủng hộ với những tổ chức thánh chiến không nằm trong thỏa thuận. 

Hiện tại dư luận quốc tế vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều về tính khả thi của lệnh ngừng bắn, bởi “ngừng bắn - đàm phán” vẫn là cái vòng luẩn quẩn giữa các bên trong suốt thời gian qua. Nhiều tín hiệu tích cực trên chiến trường đã được ghi nhận. Các chuyến hàng viện trợ của Liên Hợp quốc đã được di chuyển tới nhiều nơi trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên các cuộc đấu khẩu, đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn vẫn nổ ra. Theo Bộ Quốc phòng Nga, phe đối lập Syria đã vi phạm lệnh ngừng bắn tới 144 lần. Trong khi đó, phe đối lập tố cáo máy bay Không quân Syria vẫn tiến hành không kích ở hai tình Hama và Idlib cũng như nã pháo tại khu vực quanh thủ đô Damascus.

Bên cạnh đó, những bất đồng giữa Mỹ và Nga về tương lai của Tổng thống Assad, mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm đối lập chống chính quyền và sự thiếu niềm tin giữa các bên tham chiến khiến nhiều người tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng lâu dài của lệnh ngừng bắn, cũng như tương lai hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

2. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân ngày 9/9 và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ thông tin Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới vào bất kỳ thời điểm nào, tại một đường hầm bí mật trên núi.


Hình ảnh mô tả vị trí vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Trước diễn biến mới này, Mỹ, Hàn Quốc đã nhất trí sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thậm chí còn đệ trình lên Quốc hội nước này một bản kế hoạch “xóa sổ” thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên thông qua một đợt phóng tên lửa và đánh bom trên diện rộng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang đề xuất với Mỹ đưa các loại vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, hai nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Nga và Trung Quốc vẫn nhấn mạnh giải pháp chính trị - ngoại giao đối với tình hình hiện nay tại Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương không phải là cách giải quyết vấn đề và rằng trong bối cảnh hiện nay thì việc nối lại các cuộc đàm phán càng trở nên cấp thiết hơn.

Trong một diễn biến mới nhất, để thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh, Mỹ đã điều bay ném bom siêu âm B-1B Lancer bay lượn trên bầy trời Hàn Quốc. Triều Tiên đã lên tiếng phản đối kịch liệt, tố cáo Mỹ đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến “điểm phát nổ”, và nước này sẵn sàng tiến hành các vụ tấn công nhằm vào sự khiêu thích của Washington.  

Vụ thử hạt nhân ngày 9/9 vừa qua của Triều Tiên là vụ thử hạt nhân thứ 5 và được cho là lớn nhất của nước này từ trước đến nay. Bình Nhưỡng khẳng định đã làm chủ khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, yêu cầu Washington công nhận Triều Tiên là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”.

3. Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines đang một phen sóng gió khi ngày 12-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng kêu gọi Washington rút lực lượng đặc nhiệm khỏi quần đảo Mindanao, phía Nam Philippines.

Ông Duterte cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ có thể làm phức tạp các chiến dịch truy quét những tay súng vũ trang Hồi giáo ở khu vực này vốn khét tiếng về các vụ bắt cóc và hành quyết người phương Tây. Ông Duterte còn gợi ý các nhà quân sự xem xét việc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: rappler.com) 

Đáng chú ý là tuyên bố trên của Tổng thống Duterte được đưa ra chỉ một tuần sau khi nhà lãnh đạo Philippines có phát biểu xúc phạm Tổng thống Mỹ Obama trước báo giới ở Lào khi được hỏi về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Đáp lại, Tổng thống Obama đã hủy kế hoạch gặp song phương với ông Duterte dự kiến diễn ra vào ngày 6/9 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN ở thủ đô Viêng Chăn của Lào. 

Manila còn tuyên bố không tham gia tuần tra chung với Mỹ hay bất kỳ nước nào khác tại các vùng biển trên Biển Đông, nhằm tránh rắc rối với nước thứ ba. Tuy nhiên, nước này khẳng định vẫn tiếp tục tôn trọng những cam kết và nghĩa vụ nêu trong hiệp ước với Mỹ.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/9, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn ngay tại thủ đô Washington của Mỹ rằng Philippines luôn muốn duy trì cam kết mạnh mẽ với đồng minh nhưng sẽ không để Mỹ “dạy dỗ” về nhân quyền và đối xử như “một đứa em bé nhỏ da nâu”.

4. Căng thẳng chính trị gia tăng tại Campuchia có dấu hiệu gia tăng khi Thủ tướng nước này Hun Sen ra lệnh cho 40 xe quân sự bao vây trụ sở của đảng đối lập - đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) - trong nhiều giờ. Động thái này nhằm ngăn chặn hoạt động biểu tình, đe dọa an ninh đất nước.


Cảnh sát phong tỏa đại lộ Hun Sen vào ngày tòa tuyên án ông Kem Sokha. (Ảnh: PHNOM PENH POST). 

Trước đó, chiều 12/9, CNRP thông báo sẽ tổ chức tuần hành quy mô lớn sau khi Tòa án thành phố Phnom Penh ngày 9-9 tuyên án vắng mặt ông Kem Sokha 5 tháng tù giam vì không ra trình diện tại tòa trong phiên xét xử vụ mua dâm liên quan đến một nữ nhân viên gội đầu.

Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập về kế hoạch của đảng này tổ chức biểu tình quy mô lớn chống lại việc kết tội Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha. Trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ ông đã chỉ thị tất cả các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẵn sàng đập tan mọi hoạt động bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh: "Bằng mọi giá, chính phủ phải bảo vệ sự ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội vì đây là nhu cầu của đất nước và nhân dân".

Gần 40 nước trong đó có Mỹ và EU đã ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về căng thẳng chính trị tại Campuchia.

5. Lễ hành hương về thánh địa Mecca, một bổn phận bắt buộc phải thực hiện trong đời của mỗi tín đồ Hồi giáo, đã chính thức bắt đầu tại thánh địa Mecca của Saudi Arabia với sự tham dự của khoảng 2 triệu tín đồ.

Lễ hội hành hương năm nay lần đầu tiên trong gần 30 năm qua không có sự tham dự của người Hồi giáo Iran, do nước này và Saudi Arabia không đạt thỏa thuận về vấn đề hành hương.

 

Hành hương về thánh địa Mecca là bổn phận bắt buộc phải thực hiện
ít nhất một lần trong đời của mỗi tín đồ Hồi giáo. (Ảnh: Reuters)

Sau thảm họa giẫm đạp trong mùa lễ hội hành hương năm 2015 khiến gần 2.300 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, năm nay giới chức Saudi Arabia đã áp dụng nhiều biện pháp mới nhằm đảm bảo an toàn cho khách hành hương. Trong đó, mỗi người hành hương được phát vòng tay nhận dạng điện tử, có chứa các thông tin cá nhân như mã nhận dạng, quốc tịch, thông tin liên lạc, nơi lưu trú... 

Nhiều nghi thức khác nhau sẽ được các tín đồ Hồi giáo thực hiện trong thời gian này, như đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 vòng quanh khối đá Kabaa trong thánh đường Masjid Al Haram, uống nước giếng Zamzam và ném đá vào tượng quỷ dữ…

Lễ hội hành hương (hay còn gọi là lễ hội Haj) là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi, bao gồm tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah; cầu nguyện mỗi ngày 5 lần; làm bố thí; tuân thủ mọi điều cấm kị trong tháng lễ Ramadan; hành hương về Thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời./.

(Theo: Văn Duyên/QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất