Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/11/2018 14:26'(GMT+7)

EVFTA - Chất xúc tác cho xuất khẩu dệt may và da giày

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Về cơ hội các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn giữ ưu thế về nguồn lao động, chi phí sản xuất thấp so với các quốc gia lân cận. Mặt khác, sản phẩm may mặc, da giày của Việt Nam đã phần nào khẳng định được thương hiệu tại thị trường EU.

Trao đổi hàng hóa trong ngành dệt may, da giày những năm qua chủ yếu theo chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Vì vậy, khi những hàng rào về thuế quan dần được tháo gỡ theo lộ trình, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và da giày Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên đáng kể.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 35 tỷ USD năm 2018 hoàn toàn khả thi; trong đó, các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò lớn. Đặc biệt, đối với EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành, sau Mỹ. Điều này hứa hẹn sẽ giúp ngành dệt may tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang khó khăn hiện nay của các doanh nghiêp dệt may vẫn phải nhập một lượng nguồn nguyên liệu lớn từ các nước. Cụ thể, mỗi năm ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu; trong đó, khoảng 70% nhập từ Trung Quốc. Bởi vậy, để được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng từ hiệp định EVFTA thì doanh nghiệp phải tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa nếu không muốn chịu mức thuế như bình thường.

Ông Giang cho biết thêm, quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng nhất trong EVFTA. Theo đó, các mặt hàng dệt may Việt Nam phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có hiệp định song phương với EU. Nếu Việt Nam đáp ứng được những quy định về những vấn đề này thì ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững hơn.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi sách Việt Nam (Lefaso) cho biết, khi EVFTA có hiệu lực thì, mức thuế 0% sẽ được áp dụng cho khoảng 50 loại sản phẩm giày dép sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu. Đối với ngành da giày, đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 đến 4,2% khi xuất khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Tương tự, mặt hàng túi xách thuế suất cũng sẽ về 0% trong 3 đến 5 năm tới, EU cũng đưa ra ưu đãi đơn phương đối với một số lượng lớn hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam theo Hệ thống ưu đãi chung (GSP), sẽ giúp giày dép Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn các sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường EU. Hiện nhiều nhà sản xuất giày dép nước ngoài đã di dời doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng lợi thế EVFTA.

Ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết thêm, ngành giày dép Việt Nam đang là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam tăng liên tục trong những năm qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trong năm 2013 chỉ đạt 8,4 tỷ USD và tăng vọt lên 14,6 tỷ USD vào năm 2017. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu da giày năm nay sẽ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thuấn cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của da giày Việt Nam hiện nay là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, dây chuyền, máy móc cũ kỹ với công suất thấp cũng là yếu tố cần được cải thiện để da giày Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí như áp dụng sản xuất tinh gọn, đồng thời tìm các giải pháp tăng cường liên kết, nâng cao sự chủ động về nguyên phụ liệu, giảm bớt nhập khẩu, để giảm chi phí đầu vào và tận dụng các ưu đãi thuế./.

Hằng Trần (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất