(TG)- Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị là một trong bảy chương trình đột phá đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, công tác ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin do Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) và các doanh nghiệp khác thực hiện được xem như một điểm nhấn trong nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo bộ mặt mỹ quan mới cho đô thị.
Nỗ lực vì mục tiêu lớn
Chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin giai đoạn năm 2016 – 2020, là một chương trình quan trọng của Tổng công ty cũng như của thành phố góp phần bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, ngầm hóa lưới điện đạt 650 km lưới điện trung thế, 1.150 km lưới điện hạ thế, 11 km lưới điện 110kV với khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện bình quân hàng năm là 150 km lưới điện trung thế, 250 km lưới điện hạ thế trong giai đoạn năm 2016-2018, và 100 km lưới điện trung thế, 200 km lưới điện hạ thế trong giai đoạn năm 2019-2020. Đến năm 2020, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế theo khối lượng quản lý: toàn Tổng công ty đạt tỷ lệ hơn 35%, khu vực các quận nội thành đạt hơn 50%, riêng khu vực quận 1 và quận 3 đạt 100%).
Hiện nay, chương trình ngầm hoá được EVN HCMC giao cho đơn vị trực thuộc Tổng công ty là Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban quản lý) làm đơn vị quản lý dự án chuyên ngành. Ban quản lý sẽ triển khai các công trình ngầm hóa lưới điện tương tự như một công trình đầu tư xây dựng thông thường, bao gồm các bước: lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, lựa chọn các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, tư vấn giám sát… đến giao đoạn thi công công trình, nghiệm thu đóng điện và bàn giao công trình cho các Công ty điện lực quản lý theo địa bàn.
Theo EVN HCMC, công trình ngầm hóa có một số điểm đặc trưng như: trong quá trình lập dự án, các vị trí lắp đặt thiết bị điện như tủ RMU, tủ điện phân phối hạ thế, trạm biến thế đều được lấy ý kiến thỏa thuận với chính quyền địa phương đến cấp phường, xã và đặc biệt là tham vấn cộng đồng tại tất cả các vị trí lắp đặt, giải thích cụ thể về lợi ích của công trình, tạo mỹ quan đô thị để các hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận và tạo điều kiện thi công công trình. Ban quản lý sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông để tổ chức đấu thầu chung gói thầu thi công đào đường, tại lập mặt đường và kéo ống để xin phép xây dựng và thi công đồng thời, tránh việc đào đường nhiều lần, ảnh hưởng đến giao thông và đi lại của người dân. Trong nỗ lực đó, từ năm 2016 đến nay, EVN HCMC đã ngầm hóa 538 km lưới trung thế và 917 km lưới hạ thế, đạt 80,8% khối lượng ngầm hóa so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Khối lượng cáp ngầm 110kV thực hiện đầu tư là 34,5 km vượt so với chỉ tiêu đề ra là 11 km cho giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố đạt hơn 40%. Khu vực nội thành đạt tỷ lệ khoảng 53%, riêng khu vực quận 1 và quận 3 đạt hơn 93%.
Cần sự đồng thuận của người dân
Trong năm 2019, EVN HCMC đang phối hợp với các đơn vị quản lý hệ thống dây thông tin trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện các dự án ngầm hóa. Dự kiến trong năm 2019 sẽ hoàn tất 20 dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa hệ thống dây thông tin. Song song đó, ngành điện thành phố cũng sẽ phối hợp hạ ngầm lưới điện đồng bộ với các dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến đầu năm 2020 hoàn tất 100% khối lượng ngầm hóa đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
Khó khăn lớn nhất là tạo sự đồng thuận của người dân. Trong thời gian đầu triển khai, các công trình ngầm hóa lưới điện vấp phải nhiều phản ảnh của người dân về vị trí lắp đặt tủ RMU, trạm biến thế, tủ điện… mặc dù ngành điện đã thiết kế vị trí lắp đặt tại các vị trí ít ảnh hưởng nhất như tại các vị trí trụ điện lưới nổi hiện hữu, trạm điện hiện hữu... Tổng công ty cũng yêu cầu Ban quản lý, các Công ty Điện lực sau khi thỏa thuận với chính quyền địa phương phải tổ chức tham vấn cộng đồng, gặp gỡ trực tiếp các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án để giải thích, thuyết phục về lợi ích của công trình, góp phần tạo mỹ quan thành phố, chỉnh trang đô thị. Các vị trí lắp đặt tủ điện phải ưu tiên lắp đặt tại các vị trí trụ điện, trạm điện lưới nổi trước đó, không dây phát sinh diện tích, đặt giữa hai nhà để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng. Với cải tiến trên thì các công trình ngầm hóa lưới điện ngày càng tạo được sự đồng thuận của người dân, quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi hơn. Để bảo đảm tiến độ, tháo gỡ khó khăn phát sinh, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo ngầm hóa thành phố cũng thực hiện nghiêm chế độ giao ban hằng tháng, hằng quý.
Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin là chủ trương lớn của thành phố. Đây là nhiệm vụ nặng nề, khi các đơn vị phải tổ chức thiết kế, thi công công trình ngầm dưới lòng đất và thi công vào ban đêm. Vượt qua những khó khăn đó, EVN HCMC cùng các đơn vị liên quan đã và đang mang lại cho hàng trăm tuyến đường của thành phố một bộ mặt mới khang trang, sạch đẹp hơn góp phần vào sự thành công trong nỗ lực chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị mà thành phố đang thực hiện.
Ngọc Thuận