Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 30/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Hôxê Gradianô đa Xinva (José Graziano da Silva) đã kêu gọi tăng cường khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.
Phát biểu tại diễn đàn Hội nghị quốc tế về xã hội học nông thôn, đang diễn ra ở thủ đô Lixbon (Lisbon) của Bồ Đào Nha, ông nhấn mạnh các nhà khoa học cần tham gia tích cực vào các nghiên cứu thiết yếu để giúp giảm đói nghèo ở nông thôn và giúp nông dân sản xuất nhỏ nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, cũng như hàng loạt các công đoạn sau thu hoạch. Một trong những thách thức lớn nhất để đảm bảo an ninh lương thực chống đói nghèo là sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ để hiểu rõ hơn và cải thiện cuộc sống dân cư nông thôn trên khắp thế giới. Để đáp ứng thách thức này, thế giới cần các nhà khoa học công nghệ đưa những tri thức của họ ra ngoài bức tường các trường đại học.
Tổng Giám đốc FAO nêu rõ những vấn đề bức xúc nhất trong cuộc chiến chống đói nghèo là mất an ninh lương thực, thiếu dinh dưỡng, lương thực không an toàn, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nông dân sản xuất lớn và nông dân sản xuất nhỏ. Ông kêu gọi các nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu trong các lĩnh vực này để thúc đẩy các cuộc thảo luận về đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp và an ninh lương thực. Hòa nhập nông dân sản xuất nhỏ vào dây chuyền nông nghiệp và quản trị nông nghiệp là các lĩnh vực học thuật cần được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu. Tập trung hóa đang tăng lên trong nông nghiệp và dây chuyền lương thực đang tác động đến nông dân sản xuất nhỏ. Các quan hệ đối tác trong nghiên cứu chính sách cần coi trọng phương thức phân phối lương thực hiệu quả hơn cả ở cấp địa phương và toàn cầu. Để ngày càng nhiều người trên thế giới được hưởng các khẩu phần ăn lành mạnh dựa trên nguồn lương thực thực phẩm tươi và sạch không chỉ cần giảm chi phí vận chuyển và lưu kho mà còn cần giảm lãng phí và tổn thất lương thực. Các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu để đề xuất cải thiện điều kiện làm việc trong các thị trường lao động nông thôn hiện đang nghèo đói và thiếu các biện pháp bảo vệ xã hội.
Tổng Giám đốc FAO nêu rõ rằng tất cả các vấn đề nêu trên đều cần được các nhà khoa học làm rõ về học thuật và thực tiễn cùng những đề xuất cho các nhà hoạch định chính sách. Báo cáo của FAO và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đánh giá tăng năng suất nông nghiệp sẽ chậm lại trung bình 1,7% hàng năm trong 10 năm tới. Nguyên nhân là do sức ép môi trường và các nguồn lực dành cho nông nghiệp giảm cũng như giá lương thực bị đẩy lên cao. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm càng đòi hỏi phải tăng năng suất nông nghiệp, trong đó cần giảm nhanh khoảng cách về năng suất lương thực ở các nước đang phát triển. Thế giới cần nỗ lực gấp bội để tăng năng suất nông nghiệp một cách bền vững, đặc biệt ở các nước đang phát triển./.
(Theo TTXVN)