Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 8/6/2013 23:1'(GMT+7)

Festival biển Nha Trang 2013 :"Nha Trang - Biển hẹn"

Đến dự Lễ Khai mạc Festival biển Nha Trang có các đồng chí đại biểu: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa; lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Thái Nguyên, Thái Bình; đại sứ các nước Aixlen, Madivia, Ấn Độ; lãnh sự các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào...

Phát biểu khai mạc Festival, dồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã khai thác có hiệu quả những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phát huy truyền thống cách mạng, duy trì tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhất là kinh tế biển, trong đó có ngành du lịch. Với chính sách và định hướng đúng đắn, trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có bước phát triển vượt bậc về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển cảng biển, thu hút khách và thu nhập từ du lịch”.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: Festival biển Nha Trang 2013 là hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc, phản ảnh những nét văn hóa truyền thống đương đại, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa của đất nước và vùng đất Khánh Hòa. Festival biển đảo 2013 không chỉ là sự kiện văn hóa du lịch, mà còn là hoạt động để chúng ta bày tỏ tình yêu và trách nhiệm với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trải qua  hàng nghìn năm tổ tiên chúng ta  không quản ngại hiểm nguy và bão táp phong ba vẫn luôn kiên trì bám biển để giữ lấy từng tấc đấc, từng hòn đảo nơi biển xa và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, khai thác có hiệu quả tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên biển đảo. Đây chính là hoạt động để chúng ta kết nối bạn bè, thể hiện tình cảm trân trọng với du khách trong và  ngoài nước, đồng thời là cơ hội quảng bá, xúc tiến các tiềm  năng, giá trị biển đảo của Khánh Hòa và cả nước.

Ngành du lịch cả nước đang bước vào thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển kinh tế biển, chiến lược phát triển du lịch và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, với quan điểm, chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển trên chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, gắn với thương hiệu và khả năng cạnh tranh trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo,  du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển”.

Đồng chí đề nghị Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu  hút các nguồn lực đầu tư, tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, có dịch vụ chất lượng cao, kết nối phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và liên kết vùng, tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, gắn phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Khánh Hòa cùng cả nước thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường  du  lịch để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện; Nha Trang trở thành thành phố du lịch, thành phố tổ chưc các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước. Du lịch Khánh Hòa thực sự là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, cùng với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam.

Festival biển Nha Trang 2013 với chủ đề "Nha Trang - Biển hẹn" sẽ có gần 70 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, hấp dẫn khách du lịch.
Theo đó, festival sẽ có nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quê hương như: triển lãm ảnh về Trường Sa, triển lãm tuyển tập Bản anh hùng ca về biển đảo, vẽ tranh chủ đề Biển đảo quê hương, liên hoan các đội tuyên truyền thanh niên về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, lễ hội cà phê hướng về biển, đảo Việt Nam và chương trình trình diễn các ca khúc viết về Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa. Ngoài ra còn có lễ hội yến sào Khánh Hòa, hội thi dù bay quốc tế, hội thi bơi thúng - lắc thúng trên biển, triển lãm gốm Chăm và dệt thổ cẩm, lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội cầu ngư",…

Hoạt động được nhiều người quan tâm nhất là ngày hội hướng về biển và hải đảo Việt Nam. Không gian của chương trình hướng về biển và hải đảo là khu vực triển lãm, tái hiện hình ảnh huyện đảo Trường Sa thu nhỏ, mà ở đó có cột mốc chủ quyền, ngọn hải đăng, sa bàn đảo Trường Sa lớn. Đồng thời trưng bày 120 ảnh thời sự nghệ thuật về Trường Sa, 50 tấm bản đồ, tư liệu cổ về chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Festival Biển 2013 là cơ hội cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Việt Nam và giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương tới các đối tác, du khách trong nước và quốc tế.

* Trước đó, tối qua (7/6/2013),tại thành phố Nha Trang đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ “Thanh niên với biển đảo quê hương”'  tại khu du lịch Dốc Lết, thị xã Ninh Hòa sôi động chương trình ca múa nhạc hài kịch trò chơi dân gian. 

Song Minh
Phản hồi

Các tin khác

Đắk Glong: Kết quả triển khai bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian

Nhận thức rõ vai trò của văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, trong 8 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)- gọi tắt là NQTW5. NQTW5 được triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Đảng bộ huyện, công tác tuyên truyền của cấp ủy cơ sở, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn, hội. Theo đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể cồng chiêng ở huyện Đắk Glong nói riêng đã được đặc biệt chú trọng, đến nay huyện đã tổ chức được 08 lớp dạy cồng chiêng tại 4 xã (Đắk Som, Quảng Khê, Đắk R’măng và Quảng Sơn), riêng trường Dân tộc Nội trú huyện Đắk Glong đã mở các lớp: dạy dệt, dạy đan lát, dạy nhạc cụ, dạy hát dân ca... huyện đã khôi phục thành công 10 lễ hội như: lễ hội Tằm Jun (Lễ kết nghĩa) của dân tộc Mạ, Lễ hội đâm trâu,.lễ cúng mừng sức khỏe, v.v…, các lễ hội đều có tính nhân văn cao, trong lễ hội sử dụng nhiều bài chiêng như: Boh Chor, Ching ngăn, Ching Biết, Bepconjun, Mừng ông bà…; thành lập 1 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ cồng chiêng tại xã Quảng Khê với 20 người tham gia. Đến nay, hầu hết các thôn, bon đều có những đội chiêng, đội hát dân ca phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng và tham gia các hội thi, hội diễn. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được Huyện ủy, HĐND-UBND huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đắk Glong lần thứ I, II, III với các môn thi về văn hóa và thể thao như: thi rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, chương trình dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, đi cà kheo, dẫm bóng, bắt lươn trong chum, v.v.. Các môn thi mang đậm tính dân gian, phong phú và đa dạng, với mục tiêu tôn vinh những nét đẹp trong lễ hội truyền thống, các hoạt động nghệ thuật, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và đặc biệt là việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc. Cấp ủy Đảng, Chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo tốt công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc, cụ thể là: đã mở 5 lớp học tiếng dân tộc (2 lớp tiếng M’nông, 2 lớp tiếng Châu Mạ, 1 lớp tiếng Mông) cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, với hơn 474 lượt người tham gia. Qua việc dạy tiếng đồng bào dân tộc đã tạo điều kiện giao thoa về ngôn ngữ, chữ viết giữa các dân tộc với nhau thuận lợi hơn. Song hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống ở huyện Đắk Glong đang gặp nhiều khó khăn, như: nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế; chưa quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, từ đó, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng. Việc khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, các di sản văn hóa còn một số bất cập. Các thiết chế văn hoá đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Các thiết chế văn hoá ở cơ sở và các thôn, bon còn thiếu và chưa được quy hoạch cơ bản. Đầu tư cho hoạt động bảo tồn tinh hoa văn hoá của các dân tộc còn thấp. Các chương trình ca múa nhạc truyền thống chưa đến được nhiều với số đông quần chúng nhân dân lao động, nhất là đồng bào ở những vùng khó khăn…Bên cạnh đó, là sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, dân chủ… để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt, lợi dụng nhận thức của một số đồng bào ta còn thấp để tuyên truyền, lôi kéo, vận động bà con bỏ cồng chiêng, không hát dân ca, không tham gia các lễ hội truyền thống… Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương và triển khai thực hiện NQTW5 “Về xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện Đắk Glong tập trung vào các nhiệm vụ: Một là: Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công tác của đội ngũ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở trước nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu quả điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, triển khai thực hiện tốt, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của huyện Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt sâu sắc hơn nữa NQTU5, đồng thời, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng nông thôn mới... Ba là: Triển khai thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, tự giác thực hiện tốt quy ước, hương ước về nếp sống văn minh, văn hóa của các thôn, bon. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu trong việc thực hiện tốt các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần quan tâm dành quỹ đất và đầu tư để xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao trong sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bốn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hộ gia đình văn hóa, thôn, bon văn hóa và cơ quan văn hóa tiêu biểu. Năm là: Có sự quan tâm thỏa đáng nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân nhằm bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác và kịp thời ngăn chặn những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. PV

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất