Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 1/5/2013 17:23'(GMT+7)

Festival Nghề truyền thống Huế 2013: Nhiều sân chơi hấp dẫn và thu hút khách du lịch



Tại Nhà trưng bày 26 Lê Lợi, người xem hết sức ấn tượng về phòng tranh sơn mài "Màu xưa". Theo hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế: Sơn mài là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề thủ công truyền thống. Những thành tựu về sơn mài của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 đã được thế giới đánh giá rất cao. Sức hấp dẫn của kỹ thuật sơn mài phải kể đến màu nước, cách tạo màu và phương pháp sử dụng những nguyên liệu tự nhiên. Những lớp vẽ chồng lên nhau, càng mài càng bóng mượt, màu sắc ẩn hiện lấp lánh, quyến rũ... Có lẽ thế nên dù rất kỳ công, nhiều họa sĩ ở Huế vẫn đam mê và theo đuổi tranh sơn mài.

Những cảm xúc về thiên nhiên, con người, tình yêu cuộc sống đã thể hiện trong "Nụ hôn" (của Đặng Mậu Tựu), "Miền tâm thức" (Trương Bé), "Thành cổ" (Nguyễn Đình Dàng) hoặc "Dấu ấn thời gian" I và II (của Võ Xuân Huy). Tranh sơn mài truyền thống đòi hỏi người nghệ sĩ phải giỏi về nghề, nắm bắt và làm chủ được chất liệu. Các tác phẩm tranh sơn mài trong "Màu xưa" đã thể hiện sự tìm tòi mới lạ trong chất liệu cũng như cách tạo hình. Điều đó càng làm rõ thêm sự ưu việt của nghề sơn mài truyền thống - hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu nhấn mạnh như vậy.

Trong dịp lễ hội còn có hơn 1.000 thiếu nhi đến từ 17 trường mầm non, 32 trường tiểu học và 26 trường THCS trên địa bàn thành phố Huế tham gia liên hoan vẽ tranh "Huế trong ánh mắt tuổi thơ". Đây cũng là dịp để các cháu thiếu nhi đam mê mỹ thuật thể hiện năng khiếu của mình về những ước mơ ngộ nghĩnh, ngây thơ và trong sáng. Với các em thiếu nhi khối THCS, có thể nhìn thấy những tư duy sáng tạo và độc đáo của các em khi thể hiện năng khiếu thẩm mỹ của mình trên tà áo dài và chiếc nón Huế - nét văn hóa đặc trưng của quê hương, của dân tộc Việt Nam. Một số tranh cổ động "Bay lên nòi giống tiên Rồng", "Truyền thuyết Lạc Hồng", "Hội nghị Diên Hồng" được người xem đánh giá cao.

Trong các ngày diễn ra Festival, tại khuôn viên Bảo tàng Văn hóa Huế, CLB Diều Huế tổ chức trưng bày giới thiệu về diều Huế, những cánh diều rực rỡ điểm tô cho lễ hội thêm phong phú. Diều Huế phong phú về màu sắc hình dáng. Mỗi con diều làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của kiến trúc, các quy luật của khí động học, hội họa... Tuy vất vả, nhưng bằng đam mê và tài hoa của mình, các nghệ nhân diều Huế đã làm nên một bộ sưu tập diều với nhiều mẫu mã khác nhau về hình dáng các loài chim thú: long, công, hạc, quạ... Ngay cả những loài không cánh cũng được bay lên khi hóa thân thành diều... Tại đây, cùng với trưng bày giới thiệu, các nghệ nhân còn trình diễn kỹ thuật làm diều, biểu diễn thả diều tại công viên Thương Bạc để phục vụ khách tham quan trong dịp Festival Nghề thủ công truyền thống 2013.

Ngoài không gian triển lãm thư pháp, tại công viên Tứ Tượng và công viên 3/2, còn có sân chơi khác không kém phần thú vị - lần đầu tiên diễn ra liên hoan chim chào mào - Huế 2013. Liên hoan thu hút sự góp mặt của 50 đơn vị đến từ 10 trường chim, 30 câu lạc bộ chim trên khắp cả nước với số lượng lên tới 500 con chào mào. Trong đó phải kể đến sự tham gia của các nghệ nhân đến từ các tỉnh thành xa xôi, như: Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội... và các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam... Trong những năm gần đây, phong trào chơi chim cảnh đang lan rộng trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi các tỉnh thành, địa phương. Chơi chim cảnh là một thú chơi tao nhã đã có từ lâu đời, được xem là thú vui lành mạnh, giúp tâm hồn thảnh thơi sau một ngày lao động vất vả./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất