Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 9/7/2017 20:19'(GMT+7)

G20 cần hợp sức để vượt qua các thách thức và nhiều bất đồng

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức ngày 8/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức ngày 8/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Khác với các tuyên bố chung trước đây thường nhấn mạnh sự đồng thuận của các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực từ chống khủng bố đến quản trị tài chính, tuyên bố chung năm nay của G20 lại nêu bật sự khác biệt trong các vấn đề cốt lõi.

Trong tuyên bố được hội nghị công bố ngày 8/7, mặc dù khẳng định Hiệp định Paris là văn kiện không thể đảo ngược, song các thành viên của G20 thừa nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris.

Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn," cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.

Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nên việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn, cũng như cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thương mại cũng là một vấn đề nổi cộm khác của hội nghị thượng định G20 kỳ này. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.

Đây là lần đầu tiên tuyên bố chung đề cập đến quyền bảo vệ thị trường của các quốc gia bằng "những công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp" - các từ ngữ mà Tổng thống Trump thường lấy làm căn cứ để áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có những biến chuyển phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 7-8/7, tại Hamburg thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế.

Hội nghị năm nay có chủ để “Định hình một thế giới kết nối,” trong đó nước chủ trì Đức đã đưa các nội dung như nguyên tắc tài chính, chống tội phạm xuyên quốc gia và các mối quan hệ với châu Phi làm ưu tiên cho chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chưa giải quyết được từ Hội nghị G20 Hàng Châu năm ngoái, những bất đồng mới nổi lên từ quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và ngưng đàm phán hiệp định thương mại với châu Âu, đã đẩy hội nghị vào tình thế khó đoán định, thậm chí dư luận lo ngại khả năng thất bại hoặc nếu có cũng chỉ ra được một tuyên bố chung không mấy cụ thể.

Hết ngày họp đầu tiên, hội nghị vẫn căng thẳng do không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trừ sự đồng thuận duy nhất cho vấn đề chống khủng bố với cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức phi pháp.

Tuy nhiên, các bên đã đạt được nhượng bộ trong những giờ họp cuối cùng và bản Tuyên bố chung dù thừa nhận chưa hoàn toàn giải quyết hết bất đồng, nhưng đã thể hiện tiếng nói đồng thuận của G20 trong các nội dung quan trọng bao gồm cả thương mại và biến đổi khí hậu.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Tôi hài lòng khi thấy 19 thành viên của G20 đều nhất trí Hiệp định Paris là không thể đảo ngược."

Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.

Mặc dù dư luận có những đánh giá trái chiều về bản Tuyên bố chung của Hội nghị, nhất là việc 19 thành viên G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, nhưng với Thủ tướng nước chủ nhà Merkel, việc thuyết phục được các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ văn kiện cuối cùng này với cam kết về tất cả các lĩnh vực thương mại, tài chính, năng lượng và hỗ trợ châu Phi được coi là thắng lợi nhằm giúp tăng uy tín của bà khi mà chỉ còn 2 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Đức.

Còn với Mỹ, kết quả của Hội nghị cũng là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi các chủ trương về thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay còn có “sức nặng” đặc biệt với hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao song phương diễn ra bên lề.

Cuộc hội đàm trực tiếp Nga-Mỹ được dư luận quan tâm nhất, bởi lẽ đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước kể từ khi ông Trump nhậm chức và được đánh giá là có tính chất “định hình thế giới.”

Cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 30 phút theo kế hoạch ban đầu, được nhận định là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ thời gian qua đặc biệt căng thẳng.

Việc hai bên tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề nóng, như nhất trí thiết lập đường dây liên lạc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và đạt thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Tây nam Syria, là kết quả nổi bật nhất.

Ngay sau cuộc gặp đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ hy vọng Moskva và Washington sẽ thiết lập được mối quan hệ thân thiện hơn dưới thời chính quyền Trump.

Cuộc gặp bộ ba giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng được chờ đợi không kém.

Mặc dù chưa có một giải pháp rõ ràng nào được đưa ra, song ba nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận xây dựng và cùng khẳng định cần phải sớm đưa ra giải pháp hiệu quả.

Với 12 lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh, không thể phủ nhận rằng G20 - với quy mô chiếm gần 90% GDP toàn cầu, 65% dân số thế giới, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế - đã từng bước chứng minh khả năng và thực lực trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động chính trị-an ninh lớn gần đây, cùng với GDP của các nền kinh tế mới nổi đang tăng chậm lại, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn hết sức mong manh, thách thức của G20 trong giải quyết những vấn đề toàn cầu là không hề nhỏ đỏi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các nước./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất