Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế
giới (G7) diễn ra tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung
bày tỏ sự ủng hộ với ban lãnh đạo mới ở Ukraine và lên kế hoạch kế hoạch
tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và biến đổi
khí hậu.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị ngày 5/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Jose Manuel Barroso cho biết G7 sẵn sàng hậu thuẫn ban lãnh đạo mới của
Kiev trên cả phương diện chính trị và kinh tế.
Đối với Nga, Chủ tịch Barroso kêu gọi Moskva thực thi các biện pháp cụ
thể và đáng tin cậy nhằm giúp xoa dịu tình hình ở Ukraine.
Quan chức châu Âu cũng đồng thời để ngỏ khả năng G7 sẽ có các bước tiếp
đi tiếp theo (ám chỉ các biện pháp trừng phạt Nga) trong trường hợp cần
thiết.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng tập trung vào triển khai chính sách cụ thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm là hai ưu tiên hàng đầu của nhóm.
Mặc dù các nền kinh tế thành viên đang phục hồi, song "tiếp lửa" cho
tiến trình này là hết sức cần thiết nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc
biệt trong giới trẻ, và đối phó với tình trạng thất nghiệp dài hạn.
Chủ tịch Rompuy nhấn mạnh thương mại và đầu tư là những động lực chính
tạo việc làm và tăng trưởng. Ông khẳng định các nước thành viên tái
khẳng định cam kết đối với mở cửa thị trường và đấu tranh chống mọi hình
thức bảo hộ.
Tuyên bố chung kết thúc hội nghị nêu rõ G7 sẽ đưa ra các chiến lược tăng
trưởng tổng thể và đầy tham vọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền
kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra ở thành
phố Brisbane, Australia nhằm tiến tới hoàn tất chương trình hành động
trong các lĩnh vực như đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc làm và
sự tham gia của phụ nữ cùng các lĩnh vực khác như thương mại và đổi mới,
và các chính sách kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, các nước G7 bày tỏ quan ngại cuộc khủng
hoảng chính trị tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đặc
biệt là nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu.
Lãnh đạo các nước cam kết phối hợp hành động nhằm đảm bảo an ninh năng
lượng thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, tuyến đường trung chuyển, chuỗi
cung ứng và vận tải.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, G7 nêu rõ sẽ cho biết sẽ trao đổi về các
khoản đóng góp của từng nước trước khi diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về
chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21), dự kiến diễn ra tại
Pháp trong quý đầu năm sau.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7)
diễn ra trong hai ngày 4-5/6. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, G7 họp
tại Brussels mà không có sự tham dự của Nga.
Hồi tháng Ba vừa qua, sau khi Nga sáp nhập Crimea, các nhà lãnh đạo G7
đã thống nhất sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh G-8 (G7 và Nga), dự
kiến diễn ra trong tháng Sáu này tại Sochi (Nga) và chuyển địa điểm tổ
chức Hội nghị G7 (không có Nga) sang Brussels vào cùng thời gian./.
(TTXVN)