Thứ Sáu, 20/12/2024
Thế giới
Thứ Tư, 4/6/2014 11:59'(GMT+7)

Nhiều nước lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại Hội nghị bàn tròn

Toàn cảnh Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28. (Ảnh: Vietnam+)

Toàn cảnh Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28. (Ảnh: Vietnam+)

Hội nghị thu hút gần 400 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả và các nhà ngoại giao đến từ 30 quốc gia trên thế giới tham dự.

Đoàn Việt Nam do Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Yên Hương dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

APR lần thứ 28 bao gồm 10 phiên chính, tập trung vào các chủ đề an ninh, quốc phòng, duy trì hòa bình và phát triển kinh tế trong khu vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng tập trung thảo luận những vấn đề như cơ hội và thách thức trong việc xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, giải quyết thách thức an ninh chung trên Biển Đông, chương trình nghị sự của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau năm 2015, và các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế và chính trị ở Myanmar, bối cảnh chính trị mới của Indonesia sau bầu cử, cũng như tương lai chính trị của Thái Lan.

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao cho biết sau hơn một ngày làm việc, hội nghị đã đề cập nhiều chủ đề từ an ninh, quốc phòng đến kinh tế và chiến lược phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, ông Trần Việt Thái cho biết cũng như ở Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 tại Singapore trước đó, tại APR lần này, hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị nhiều quốc gia chỉ trích mạnh mẽ, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và một số nước ASEAN.

Nhiều đại biểu đã đồng tình với cách Việt Nam đang đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981).

Ông Trần Việt Thái bày tỏ tin tưởng rằng tại phiên bàn về vấn đề Biển Đông ngày 4/6 sẽ có nhiều tiếng nói ủng hộ Việt Nam, cách giải quyết kiên quyết nhưng hòa bình mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đang áp dụng sẽ nhận được sự đồng thuận không chỉ của các học giả trong khu vực mà còn của học giả nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất