Trong khi Nhật Bản, Mỹ ủng hộ chính sách kích cầu thì Đức và Anh vẫn thận trọng với ý tưởng tăng chi tiêu công.
Chính sách nào để giải quyết tình trạng
tăng trưởng kinh tế yếu toàn cầu sẽ là nội dung thảo luận trọng tâm tại
Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp (G7) diễn ra trong hai ngày 26
và 27/5 tới tại Ise-Shima, Nhật Bản.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sáng 20/5
cho biết sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7 nên
đầu tư vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng hơn là tập trung vào cắt
giảm chi tiêu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết
sẽ cố gắng để các nước G7 đồng thuận trong việc phối hợp đưa ra chính
sách, công cụ tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng
trưởng toàn cầu.
Trước lời kêu gọi của Nhật Bản, Mỹ về việc
áp dụng chính sách tài chính kích cầu, Đức chưa có tín hiệu hưởng ứng mà
thay vào đó cảnh báo rủi ro khi lạm dụng chính sách nới nỏng tiền tệ.
Đức và Anh cho đến nay vẫn thận trọng với ý tưởng tăng chi tiêu công.
Những tín hiệu này cho thấy, các Bộ trưởng
tài chính G7 nhóm họp chiều 20/5 tại Sendai, Nhật Bản sẽ rất khó đồng
thuận về những bước đi cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu yếu, dẫn
tới khả năng mỗi thành viên G7 có cách làm riêng.
Trước đó, hôm qua (19/5) tại một hội nghị chuyên đề, các chuyên gia tài
chính cho rằng, thay vì dựa vào các chính sách kích thích tài chính tiền
tệ ngắn hạn, việc cải cách cơ cấu, kết hợp đầu tư phù hợp sẽ là những
giải pháp để đạt tăng trưởng bền vững./.
Theo VOVnews