Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 15/5/2016 20:54'(GMT+7)

Mỹ tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột Syria

Ngoại trưởng Mỹ đã tái khởi động các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm chấm dứt xung đột Syria. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Mỹ đã tái khởi động các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm chấm dứt xung đột Syria. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 14/5 bắt đầu chuyến công du kéo dài 2 tuần tới một loạt nước vùng Vịnh, châu  Âu và Đông Nam Á, với chương trình nghị sự chính tập trung vào những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Chuyến đi được xem là nhằm lấy lại đà cho chiến lược của Mỹ trong vấn đề này, vốn đang tỏ ra ngày càng thiếu hiệu quả và vấp phải nhiều chỉ trích.

Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry diễn ra trong bối cảnh, Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một sự hợp tác với Nga nhằm chấm dứt tiếng súng, cứu sống hàng triệu người vẫn đang ngày ngày phải đối  mặt với chiến tranh và xung đột, cũng như tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria.

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Kerry trong chuyến công du lần này là Saudi Arabia, một quốc gia đồng minh và có ảnh hưởng tại khu vực, ủng hộ phe đối lập Syria. Sau đó ông Kerry sẽ tới Vienna, Áo để tham dự  cuộc gặp của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria.

Phát biểu với báo giới trước chuyến đi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng phức tạp và nhiều biến động này là tập trung nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Ông Kerry nói: “Điều mà chúng tôi đang có gắng làm hiện nay là xác định mối quan tâm của tất cả các bên và dung hòa chúng. Đây cũng chính là thách thức  của Syria, một vấn đề phức tạp mà bất kỳ cuộc xung đột nào cũng phải giải quyết. Đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán hay làm sao để Saudi Arabia, những nước thành viên còn lại của Hội đồng hợp tác vùng  Vịnh và các nước khác  ngồi vào bàn đàm phán cùng với Nga và chính phủ Syria sẽ là sự khởi đầu cho việc tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng” .

Tuy nhiên, trọng trách của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ là không hề dễ dàng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thừa nhận, không phải tất cả mọi chuyện tại Syria đều đi đúng hướng và vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Chia sẻ quan điểm này, chính phủ Pháp cũng cho rằng, cần phải thúc đẩy và tăng  cường các nỗ lực, trước tiên là nhằm  thành lập ngay từ đầu tháng 8 tới một cơ quan chuyển tiếp chính trị tại Syria theo đúng lộ trình mà nghị quyết Liên Hợp Quốc đã đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có thế. Tới nay, những bất đồng liên quan tới số phận Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vẫn chưa ngã ngũ và thời hạn này đang ngay càng trở nên mong manh đối với cả các nhà ngoại giao phương Tây và Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu có một kế hoạch B cho cuộc khủng hoảng, tức là một giải pháp quân sự hay không nếu các bên không thể đi tới  một giải pháp ngoại giao? Không có gì là chắc chắn, bởi ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry những tuần qua cũng đã bóng gió về một kế hoạch B nhằm chấm dứt xung đột.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dù nhiều lần bác bỏ khả năng một sự can dự quân sự nữa của Mỹ tại Trung Đông, song cũng không thể chắc chắn về những ưu tiên của mình.

Cái khó của ông Obama là cách tiếp cận của ông trong vấn đề Syria đang không chỉ vấp phải sự chỉ trích của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, mà còn ngay trong chính đảng Dân chủ khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống.

Theo cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông Philip Gordon, từ nhiều năm nay, cách tiếp cận của Mỹ đã không phát huy tác dụng và có thể sẽ còn tiếp tục như vậy. Ông Gordon cho rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục coi sự ra đi của Tổng thống Al-Assad là một điều kiện tiên quyết, thì cuộc nội chiến Syria sẽ còn kéo dài./.

(Theo: VOV)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất