Thứ Bảy, 30/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 24/3/2018 14:49'(GMT+7)

Gameshow hẹn hò: Khi chuyện riêng tư lên sóng truyền hình

"Lựa chọn của trái tim" phát sóng trên kênh VTV3. (Ảnh: BTC)

"Lựa chọn của trái tim" phát sóng trên kênh VTV3. (Ảnh: BTC)

Từ đó, câu hỏi về chất lượng có đi kèm với số lượng các chương trình truyền hình thực tế một lần nữa được đặt ra.

Bùng nổ gameshow hẹn hò

Sau thành công của chương trình “Bạn muốn hẹn hò” với sự dẫn dắt khá của cặp đôi nghệ sỹ-MC Quyền Linh, Cát Tường, nhiều gameshow theo định dạng se duyên, kết nối cho các bạn trẻ độc thân liên tiếp xuát hiện trên sóng truyền hình: “Khúc hát se duyên,” “Quý cô hoàn hảo,” “Vì yêu mà đến,” “Yêu là cưới” (phát sóng trên kênh HTV7), “Giai điệu chung đôi,” “Lựa chọn của trái tim” (phát sóng trên kênh VTV3)…

Phần lớn trong số các chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài. “Bạn muốn hẹn hò” mua bản quyền từ chương trình “Punchi de Deto” của Nhật Bản, mở ra cơ hội tìm kiếm “một nửa” cho những bạn trẻ độc thân. Dựa trên sự ghép đôi tình cờ, ngẫu nhiên, chương trình đã mang đến tình huống hài hước, thú vị. Sau hơn 300 tập phát sóng, chương trình đã kết nối thành công nhiều cặp đôi, trong đó có hơn 30 cặp đôi đã kết hôn.

Phiên bản gốc của “Vì yêu mà đến” là chương trình “Phi thường hoàn mỹ” của Trung Quốc. “Lựa chọn của trái tim” được Việt hóa từ gameshow “Sexy Beasts” của Anh…

Bên cạnh đó, chương trình truyền hình thực tế của Mỹ “The Bachelor” dự kiến lên sóng vào nửa cuối năm 2018 với tên gọi “Anh chàng độc thân.”

Mỗi chương trình có cách thức riêng để khai thác, dẫn dắt câu chuyện của người chơi và thu hút sự chú ý của khán giả. Yêu cầu đặt ra đối với những người tham gia “Khúc hát se duyên” không chỉ là ngoại hình đẹp, lịch lãm mà còn phải sở hữu giọng hát hay. Trong khi đó, khách mời của “Vì yêu mà đến” là những nghệ sỹ nổi tiếng hay “hot boy” trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của giới trẻ như: ca sỹ-diễn viên Cường Seven, người mẫu Tiến Đạt, Phí Ngọc Hưng…

“Công bằng mà nói, sau hàng loạt các gameshow hài hay các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, thời trang có định dạng tương đối giống nhau, sự xuất hiện của những gameshow hẹn hò cũng đã tạo ra sự mới mẻ, làm phong phú thêm cho ‘thực đơn’ giải trí, để người xem cảm thấy bớt nhàm chán. Số lượng chương trình nhiều sẽ giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn; nhiều quá thì lại thành nhạt nhẽo, mở kênh nào ra cũng thấy gameshow hẹn hò thì cảm giác tò mò, thú vị ban đầu lại chuyển thành sự nhàm chán,” Lê Phương Thảo (sinh viên năm thứ tư Đại học Y Hà Nội) chia sẻ.

“Bão” dư luận

Ngay sau khi phát sóng những tập đầu tiên, nhiều chương trình đã nhận những ý kiến phê phán gay gắt từ phía người xem.

Nhiều khán giả cho rằng, các tình huống được dàn dựng lộ liễu. “Truyền hình thực tế là những chương trình có kịch bản trước. Tuy nhiên, sự lộ liễu trong cách dàn dựng hay những ‘chiêu’ hút người xem của đơn vị sản xuất (như mời người nổi tiếng tham gia) khiến người xem cảm thấy các chương trình thiếu chân thực,” Lê Phương Thảo cho biết.

Vị khán giả trẻ này cho rằng, chuyện hẹn hò của người nổi tiếng vốn luôn được người trong cuộc giữ bí mật, chọn thời điểm để công khai. Việc họ tham gia gameshow hẹn hò tạo ra cảm giác không chân thực cho người xem.

“Tôi thấy nghi ngờ về mức độ chân thật của các cuộc hẹn. Việc ngày càng nhiều nhân vật của giới showbiz, giải trí tham gia các gameshow hẹn hò khiến tôi nghĩ rằng, có lẽ, đây là cách những người nổi tiếng ‘đánh bóng’ tên tuổi, hình ảnh hơn là việc tham gia theo những tiêu chí, mục đích ban đầu (về việc se duyên, kết nối các mối quan hệ) mà phía đơn vị sản xuất chương trình đưa ra,” khán giả Phương Thảo bày tỏ.

Để gia tăng mức độ kịch tính, chương trình “Quý cô hoàn hảo” có sự xuất hiện của nhân vật mẹ chồng (giả định), để làm khó những nàng dâu tương lai. Điều này kéo theo những màn tranh luận “nảy lửa” về các vấn đề: hôn nhân, cách thức chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái…

Đôi lúc, những cuộc tranh luận này đã trở thành những màn cãi vã ồn ào, thiếu văn minh trên sóng truyền hình. Đỉnh điểm, tập 25 đã làm “dậy sóng” dư luận khi thí sinh Thiên Kỳ buộc bạn trai phải lựa chọn (mẹ hoặc người yêu) và có màn đối đáp thiếu tiết chế với nhân vật mẹ chồng (giả định): “Nếu anh thương con thì anh phải đi với con. Con làm vợ anh, chứ đâu phải làm vợ cô; nên anh phải đi với con chứ!”

Những tình huống như vậy đón nhận những luồng ý kiến trái chiều: có nhiều khán giả cho rằng, Thiên Kỳ đã diễn quá đà trước thử thách của chương trình, tạo ra sự phản cảm; nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, những tình huống như vậy vẫn tồn tại trong cuộc sống, chương trình truyền hình thực tế dựa vào chất liệu đó để người xem cùng suy ngẫm.

Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, những tình huống càng gây tranh cãi thì càng thu hút được sự chú ý của khán giả, tạo sức hút cho chương trình. Tập 25 “Quý cô hoàn hảo” thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên Youtube.

Thời điểm mới xuất hiện, các chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò thu hút sự chú ý của khán giả bởi các tình huống trong đó diễn ra khá tự nhiên, gần gũi đời thực. Chủ đề này thu hút sự quan tâm của khán giả nên được các đơn vị sản xuất đầu tư thực hiện, liên tục đưa ra các chương trình theo định dạng tương tự.

Mặc dù, càng về sau, các chương trình được đầu tư kỹ lưỡng hơn về bối cảnh ghi hình, kịch bản… nhưng lại khiến khán giả thấy “bội thực,” thậm chí cảm thấy chuyện hẹn hò diễn ra gượng ép, người chơi bị cuốn theo kịch bản nên mất kiểm soát, quá đà trong cách xử lý tình huống.

Theo tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc thêm nhiều gia vị nhằm tạo sự khác biệt, sự xuất hiện đến ‘quen mặt’ từ chương trình này tới chương trình khác của các nhân vật hay bi kịch hóa nội dung câu chuyện… đã khiến các gameshow hẹn hò hiện nay đi vào lối mòn, dần mất điểm với khán giả. 

“Đành rằng, chương trình nào cũng cần có bàn tay đạo diễn và đội ngũ xây dựng kịch bản, lên ý tưởng nhưng sự sắp đặt tình huống, bối cảnh rườm rà đôi khi khiến tôi có cảm giác đang xem phim truyền hình hơn là gameshow giải trí. Trong khi đó, những chương trình truyền hình về chuyện hẹn hò vốn dĩ phải tôn trọng sự tự nhiên,” ông Nam nói.

Ở một góc độ khác, chuyên gia tâm lý học cho rằng, việc kết đôi, hẹn hò vốn là chuyện riêng tư. Bởi vậy, khi đưa vào các chương trình truyền hình, phía đơn vị sản xuất cần xử lý tế nhị để tránh sự phản cảm. Ví dụ như, ở một số chương trình hiện nay, nhân vật khách mời ngồi bình luận như một người phản xử chuyện yêu đương của người khác; hay để từ chối một người không phù hợp, nhân vật tham gia gameshow đưa ra những nhận xét thiếu tế nhị như đang chọn một món đồ…./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất