Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 5/12/2008 19:51'(GMT+7)

Gần 2.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Chương trình được thực hiện từ năm 2009 đến 2015, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn càu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nino ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2010. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, Chính phủ đã sớm tham gia phê chuẩn Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó.

Tuy nhiên, những cố gắng đó chưa đủ để đảm bảo ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt và tiềm tàng của Biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan đã xây dựng theo Nghị quyết 60/2007/NQ-CP. Trải qua quá trình nghiên cứu và xây dựng dự thảo một cách chặt chẽ và có tính khả thi, tháng 7/2008, bản dự thảo cuối cùng (bản thứ 9) đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng chỉ rõ ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, đảm bảo tính hệ thống, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói giảm nghèo.

Theo Quyết định này, các Bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện việc đánh giá mức độ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam đối với các lĩnh vực, các ngành, các địa phương trong từng giai đoạn, tích hợp vấn đề này vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và các địa phương. Những nỗ lực ứng phó của nước ta sẽ là động thái tích cực trong công cuộc giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình sẽ do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ TN&MT làm Phó Trưởng ban thường trực và đại diện các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao.

Với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia và tổ chức thanh tra, kiểm tra, định kỳ sơ kết đánh giá việc thực hiện Chương trình.


Chỉ tiêu thực hiện đến 2015 của Chương trình

- Cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế nhằm phối hợp thực hiện các nội dung của Chương trình được hoàn thiện và triển khai toàn diện;

- Quan hệ hợp tác đa phương và song phương về ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế được tiếp tục mở rộng;

- Kêu gọi, khuyến khích được nhiều nước, tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình. Viện trợ của quốc tế dành cho Việt Nam thực hiện các nội dung của Chương trình đạt khoảng 50% tổng kinh phí thực hiện Chương trình.

- Viện trợ của quốc tế cho Việt Nam thực hiện Chương trình phát huy được hiệu quả tốt và phục vụ đúng các mục tiêu, nội dung của Chương trình.

- Trình độ, năng lực nghiệp vụ trong đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu của đội ngũ cán bộ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đề ra;

- Việc xây dựng và thực hiện các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực có tiềm năng.


PV - Theo Vnmedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất