Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/7/2012 16:2'(GMT+7)

Xây dựng các thành phố bền vững

Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á

Hiện nay, ½ dân số thế giới hiện đang sống tại các thành phố. Theo dự đoán mới đây, đến năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người sinh sống tại các thành phố lớn, chiếm khoảng 60% dân số thế giới. Đến năm 2050, dân số thành thị sẽ tăng gấp đôi, đạt 6 tỷ người, chiếm 70% dân số thế giới.

Đến năm 2015, trên trái đất sẽ có 550 thành phố với quy mô hơn 1 triệu dân. Bên cạnh tầm quan trọng về mặt kinh tế, các trung tâm đô thị là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tiêu thụ về năng lượng và tài nguyên ngày một tăng cao. Các thành phố này tiêu tốn 75% nguồn năng lượng và 60% lượng nước sạch của cả thế giới, đồng thời sản sinh đến 70% lượng phát thải khí nhà kính.

 Việt Nam có tốc độ đô thị hóa lớn nhất ở Đông Nam Á. Dân số đô thị chiếm 34% dân số toàn quốc và tốc độ tăng trưởng 3 – 4% mỗi năm. Đến 2020, dự báo dân số đô thị chiếm 45% dân số toàn quốc.

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không ảnh hưởng đến sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai. Ngày nay, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh ngày càng được nhắc đến nhiều hơn bởi nó hướng tới duy trì nền tảng cho tiếp tục tăng trưởng và cải thiện chất lượng cuộc sống; thu hút các nhà đầu tư, môi trường bền vững như là một lợi thế cạnh tranh chủ chốt.

Cũng như nhiều nước đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiếu thách thức như dân số đô thị tăng nhanh, khoảng cách giàu – nghèo càng lớn và quy hoạch thiếu hơp lý, sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, lãng phí. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ, y tế… chưa đáp ứng được yêu cầu, ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát…

Các thành phố là động lực của sự tăng trưởng nhưng những nhu cầu đặc biệt của nó cũng đặt ra những thách thức to lớn. Làm thế nào để giúp các thành phố sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện với môi trường và có chất lượng cuộc sống cao hơn. Các thành phố đã tiêu tốn bao nhiêu nguồn tài nguyên, và cần biện pháp, chiến lược gì để xây dựng một tương lai bền vững hơn?

Làm gì để xây dựng các thành phố bền vững?

Trước những thách thức do sự bùng nổ của các thành phố, làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải kiểm soát được những ảnh hưởng về sinh thái, cơ sở hạ tầng và xã hội, xây dựng các thành phố với tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững…

Đó là những vấn đề được nêu ra và thảo luận tại hội thảo “Các thành phố bền vững, thách thức và cơ hội” tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển hiệu quả và bền vững một hệ thống đô thị quốc gia, trong đó có các đô thị trung tâm, với quy mô và tính chất đa dạng được phân bổ trên không gian lãnh thổ toàn quốc. Phát triển đô thị không chỉ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà còn bảm đảm an ninh quốc phòng”.

Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: “Doanh nghiệp với vai trò là động lực phát triển của các thành phố đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải có tiếng nói và vai trò tích cực hơn trong việc phối hợp với chính quyền và các bên liên quan để xây dựng các đô thị phồn vinh và bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung”

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết: Chính phủ khuyến khích các bộ ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm các nước về các mô hình phát triển bền vững và quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành các địa phương xây dựng kế hoạch xây dựng phát triển các đô thị có ý nghĩa chiến lược theo hướng phát triển bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh.

“Để phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, các đô thị của Việt Nam cần thân thiện với con người, môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn trước hiểm họa thiên nhiên và có bản sắc văn hóa đặc trưng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Lothar Herrman, Tổng giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương đã giới thiệu về dải sản phẩm, hệ thống và dịch vụ cho các thành phố đang đối mặt với thách thức ở nhiều lĩnh vực như giao thông, tòa nhà, chiếu sáng, cung cấp năng lượng, y tế, nước và an ninh. “Các nhu cầu cơ bản cho một thành phố thúc đẩy phát triển thị trường các giải pháp cơ sở hạ tầng thông minh là vận chuyển con người và hàng hóa một cách hiệu quả; nguồn cung cấp năng lượng tin cậy và hiệu quả; tiện nghi và an ninh; phát thải thấp. Các yêu cầu đang thay đổi một cách mạnh mẽ từ các giải pháp cục bộ và các sản phẩm đơn lẻ đến các giải pháp cơ sở hạ tầng thông minh và kết nối” - ông Lothar Herrman nhấn mạnh.


Khánh Chi
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất