Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Phòng chống viêm phổi, bảo vệ
trẻ em do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức ngày 12/11 tại Thành phố
Hồ Chí Minh, nhân ngày Phòng chống Viêm phổi Thế giới (12/11).
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1
(Thành phố Hồ Chí Minh), phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm
phổi ở trẻ em, phế cầu khuẩn không chỉ gây ra bệnh phổi mà còn gây ra
các bệnh nguy hiểm ở trẻ em với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều
trị kịp thời như bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa
cấp.
Trong khi đó, sự đề kháng kháng sinh của phế cầu ngày càng gia tăng. Vi
khuẩn thường được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt
hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những
người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người.
Triệu chứng bệnh bao gồm ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở
nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm là những triệu
chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ
huynh xem nhẹ.
Việc tiêm chủng vắcxin từ rất sớm cho trẻ ngay ở giai đoạn sơ sinh để
phòng các loại bệnh do phế cầu khuẩn là một trong những biện pháp quan
trọng cần hành đồng ngay nhằm chống lại khả năng nhiếm phế cầu khuẩn,
tăng cường bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh khó lường.
Ngoài việc phòng ngừa từ vắcxin, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo một
số biện pháp đơn giản giúp bảo vệ trẻ em bằng cách cho trẻ một môi
trường sống ít nguy cơ bị viêm phổi như cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn
trong 6 tháng đầu đời và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng; Rửa tay
thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường; Khử
sạch không khí ô nhiễm trong nhà sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi
nặng ở trẻ./.
Theo vietnam+