Trong số
này, có 326 doanh nghiệp thuộc diện phải giải thể; 3.932 doanh nghiệp bỏ trốn,
mất tích và 2.395 doanh nghiệp ở tình trạng tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Thủ đô rơi vào tình trạng trên được cơ
quan thuế xác định là do tiếp tục chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái
kinh tế thế giới cũng như những khó khăn của kinh tế trong nước. Cụ thể, từ đầu
năm đến nay, nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi chậm, các thị
trường xuất khẩu và thu hút đầu tư còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, dù
thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp như triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về
một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường,
giải quyết nợ xấu, Thông tư số 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính..., nhưng hoạt
động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả cao.
Đặc biệt, tồn kho ở một số ngành, lĩnh vực còn ở mức cao, nhất là ở một số lĩnh
vực như bất động sản, vật liệu xây dựng...
Phó Cục trưởng Cục Thuế thành
phố Hà Nội Thái Dũng Tiến cho biết 8 tháng đầu năm nay, tình hình kê khai thuế,
nộp thuế của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Tính đến
tháng 8, tổng thu nội địa của Hà Nội ước thực hiện là 72.392 tỷ đồng, đạt 48,3%
dự toán pháp lệnh, bằng 89,8% so cùng kỳ năm 2012.
Cũng theo ông Thái
Dũng Tiến, cơ quan thuế Hà Nội nhận định được những khó khăn trên nên đã chỉ đạo
toàn ngành thuế Thủ đô tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm cũng như 9
nhóm giải pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương,
chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trước mắt, cơ quan thuế Hà
Nội sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại kết quả thu ngân sách những tháng đầu năm
2013, phân tích rõ, tìm ra những nguyên nhân, những yếu tố làm ảnh hưởng đến
nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến từng ngành, từng lĩnh vực thu để
từ đó tìm ra các giải pháp thích hợp, hiệu quả cho công tác thu những tháng tiếp
theo; tiếp tục tham mưu kịp thời với thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp triển
khai thực hiện công tác quản lý thuế cùng với việc triển khai các giải pháp thúc
đẩy kinh tế phát triển, trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản
xuất kinh doanh, tạo đà phát triển nhằm tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
Cùng thời gian này, trên toàn địa bàn Thành phố có 9.584 doanh nghiệp
thành lập mới, nhưng đại đa số những doanh nghiệp này chưa phát sinh thuế phải
nộp, hoặc có phát sinh nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước thấp./.
Theo TTXVN