Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 1/2/2018 8:23'(GMT+7)

Gần 70% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm

Đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao trung bình của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao trung bình của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dinh dưỡng, do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 31/1, tại Hà Nội.

 Phó Thủ tưởng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em vẫn ở mức cao 24,3% (năm 2016) và có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là hơn 30% và Tây Nguyên là 34,2%.

Đặc biệt, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, người cao tuổi… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bữa ăn học đường của trẻ em, học sinh, bữa ăn ca của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng.

Hiện nay, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Năm 2016, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam là 164cm và nữ thanh niên là 153cm. Với mức chiều cao trên của người Việt còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.

Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 tăng chiều cao của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010.

Người đứng đầu ngành y tế cho hay, trong khi tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện thì tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng gia tăng nhanh cả ở trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Năm 2015, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 5,3%, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số này tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua (từ 3,7 lên 11,5%).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký cam kết hưởng ứng Lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)



Tăng chiều cao trung bình của trẻ thêm 2cm

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về vấn đề dinh dưỡng. Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020.

Kế hoạch hành động quốc gia đã xác định mục tiêu dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo kế hoạch hành động quốc gia, đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao trung bình của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010, tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới từ 1 đến 1,5cm so với năm 2010; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống 21,5%, ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%.

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Wivina Belmonte - Phó Giám đốc UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và vai trò quyết định của dinh dưỡng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em qua các giai đoạn tuổi.


Biểu đồ về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế)

UNICEF (​Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường công tác điều phối đa ngành, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác và đầu tư trong việc thực hiện các nguyên tắc của Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu.

Bà Wivina Belmonte cho hay: “Chúng tôi cam kết mang đến các kinh nghiệm của UNICEF toàn cầu để hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân.”

Theo vị đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, để làm được những việc trên, Việt Nam cần huy động các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp tham gia vào thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất