Nhằm tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QÐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân.
Quy định nêu rõ trình tự tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy; thời hạn xử lý, giải quyết cũng
như xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các trường hợp thiếu trách
nhiệm, vi phạm quy định của Ðảng, Nhà nước về việc tiếp dân.
Việc quy định cụ thể, rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện
tiếp, đối thoại với công dân góp phần nâng cao và phát huy dân chủ, bảo
đảm quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Thời gian qua, công tác
tiếp công dân đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người
dân. Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có
nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu
nại, tố cáo. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy ban hành quy chế đối thoại giữa
người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo
sâu sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe kiến nghị, góp ý của người dân, tổ
chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ cơ sở;
chấn chỉnh những việc làm sai trái, thiếu chuẩn mực của cán bộ, cơ quan,
đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị
chưa làm tốt công tác tiếp công dân; thậm chí có biểu hiện làm hời hợt,
chiếu lệ. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa làm tròn trách
nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định. Một số
cán bộ, nhất là ở cơ sở chưa chú ý lắng nghe và tổ chức đối thoại, giải
quyết kịp thời, thấu đáo thắc mắc, kiến nghị chính đáng của người dân,
nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bảo vệ
môi trường… khiến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài,
diễn biến phức tạp. Không ít địa phương, cơ quan chưa gắn công tác tiếp
công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong quá trình xác minh
chưa làm tốt công tác thu thập thông tin, đối thoại dân chủ, nên việc
tham mưu giải quyết vụ việc còn để xảy ra sai sót...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bào có oan ức mới khiếu
nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu
nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính
phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó mối quan hệ giữa nhân
dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn’’.
Việc tiếp công
dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân giúp cấp ủy, chính quyền, cơ quan
hành chính nhà nước kịp thời nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng, thông tin
phản hồi, những kiến nghị, góp ý của nhân dân, góp phần huy động sự
tham gia rộng rãi của nhân dân trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Để giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan trực tiếp thực hiện
tiếp công dân đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị có chức năng tham
mưu cần chuẩn bị chu đáo, thực hiện và vận dụng đúng các quy định của
pháp luật về tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng
cường bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp dân, giải quyết đơn
thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thực hiện tốt hơn công tác thanh
tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công
dân và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân có sai phạm; nâng cao vai trò
giám sát của công dân, cơ quan, tổ chức đối với người đứng đầu trong
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện tốt quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
cũng chính là để cán bộ, nhất là người đứng đầu thêm gần dân, sâu sát và
hiểu dân, thực sự phát huy dân chủ, lấy “dân là gốc”, giải quyết thấu
đáo thắc mắc, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và có những
quyết sách đúng đắn, để ý Đảng hợp lòng dân./.
Khánh Minh (qdnd.vn)