Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay,
nội dung giáo dục đạo đức, lối sống được giảng dạy xuyên suốt từ tiểu
học đến THPT. Các cơ sở giáo dục đã chủ động lựa chọn nội dung để xây
dựng các chuyên đề dạy học đạo đức, lối sống trong mỗi môn học và các
chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tập
tích cực, sáng tạo, xử lý các tình huống thực tiễn của học sinh. Tăng
cường các hoạt động thực hành nhằm vận dụng kiến thức đã học vào thực
tiễn, chú trọng đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết
xã hội cho học sinh. Hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống được lồng
ghép trong các môn học giúp học sinh nhận thức được vai trò, trách nhiệm
của cá nhân với các vấn đề xã hội, tự hoàn thiện bản thân theo các
chuẩn mực đạo đức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo các chuyên gia,
nội dung giáo dục đạo đức, lối sống chưa chú trọng giáo dục thói quen,
hành vi đạo đức, còn nặng về kiến thức hàn lâm. Nhiều bài học kiến thức
khô khan, chưa gắn với đời sống; nội dung không phù hợp với độ tuổi của
học sinh phổ thông; giáo dục học sinh cá biệt, có hành vi “lệch chuẩn”
thực hiện chưa tốt.
Vì vậy, vai trò của giáo viên trong việc giáo dục
đạo đức, lối sống cho học sinh quan trọng hàng đầu. Thực tế hiện nay,
nhiều giáo viên thiếu phổ kiến thức sâu rộng, chưa cập nhật những thông
tin mang tính thời sự vào trong bài giảng, việc truyền thụ kiến thức
trên lớp chủ yếu phụ thuộc sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy,
thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học.
Hiệu trưởng Trường
THPT Yên Hòa (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: Sẽ không thể có học
sinh có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến
thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống
chính là việc thầy giáo, cô giáo cần trau dồi kiến thức, kỹ năng,
phương pháp liên tục.
Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn
Hữu Đức cũng cho rằng: Trò học thì thầy cũng phải học, trò đọc thì thầy
cũng phải đọc, thầy không thể làm gương được nếu thầy không gương mẫu
học, không gương mẫu đọc. Thầy trò cùng học, cùng đọc, cùng xây dựng văn
hóa. Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối,
phát động phong trào “thầy trò học cùng nhau”.
Đáng chú ý, việc giáo dục đạo đức, lối sống chỉ “đóng khung” trong
trường học mà chưa có sự gắn kết nhiều giữa nhà trường, gia đình và xã
hội sẽ khó mang lại kết quả tích cực.
Hiệu trưởng Trường đại học Giáo
dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Quý Thanh cho rằng: Vai trò của
giáo dục ngoài nhà trường cũng quan trọng không kém trong nhà trường cho
nên việc phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội cần có những điều
chỉnh cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chứ không thể nói
chung chung. Vai trò của gia đình cần được xác định rõ ràng và gắn chặt
hơn trong công tác giáo dục học sinh.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: Nếu như trước đây, giáo dục trong
trường là quan trọng, thì hiện nay, ngoài trường quan trọng hơn. Vì vậy,
ngành giáo dục cần xem thời đại thay đổi gì để thay đổi theo. Mục tiêu
giáo dục, dạy người và các chuẩn mực vẫn giữ nguyên nhưng phương pháp và
cách làm trong giáo dục đạo đức, lối sống cần thay đổi.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ
trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian tới sẽ rà
soát, hoàn thiện các chính sách, quy định về giáo dục đạo đức, lối sống
cho học sinh; cụ thể hóa các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an
toàn, lành mạnh, thân thiện trong các trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo
chỉ đạo biên soạn nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo
dục phổ thông mới theo hướng chú trọng giới thiệu về truyền thống văn
hóa, lịch sử và các tấm gương anh hùng để giáo dục lòng yêu quê hương,
đất nước cho học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm, vai trò nêu
gương của người đứng đầu, ban giám hiệu và giáo viên, trong đó đặc biệt
chú trọng đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Ngoài ra, ngành giáo
dục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đi đôi với phát huy dân chủ trong
các cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm của ban giám hiệu trong công tác
giáo dục đạo đức cho học sinh.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ
tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,
công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh./.