Đồng chủ trì buổi làm việc còn có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắc Lắc.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện, triển khai Nghị quyết 33 của Tỉnh ủy Đắc Lắc, có nêu: Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Nghị quyết số 33-NQ/TW với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đồng thời gắn việc Nghị quyết số 33-NQ/TW với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Quy định số 10 – QĐ/TU của Tỉnh ủy.
Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung Chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy được cụ thể hoá bằng các kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; hàng năm có kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện.
Việc thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu. Môi trường văn hóa của tỉnh từng bước được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, buôn, khối phố, cơ quan, trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động văn học - nghệ thuật của tỉnh có bước phát triển mới, được triển khai thực hiện với nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Đắk Lắk với bạn bè trong và ngoài nước.
Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa, làm tha hóa con người gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW; Thông báo kết luận 213-TB/TW; Chỉ thị 34-CT/TW. Công tác xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh, phản bác với thông tin xấu độc được chú trọng, bước đầu mang lại hiệu quả.
Việc đầu tư cho phát triển giáo dục-đào tạo được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, nhất là việc đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Tích cực trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng.
Các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số, cư dân các vùng miền được các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức với nhiều quy mô khác nhau. Hàng năm, có hơn 70 lễ hội, ngoài ra còn có Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 02 năm 01 lần. Các cuộc triển lãm, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia hưởng ứng. |
Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên. Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trọng tâm là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thành công của các phong trào đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, hiệu quả. Chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ngày càng tăng lên. Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Tuệ Bùi) |
Hội Văn học nghệ Thuật tỉnh có hơn 200 hội viên, 7 chi hội chuyên ngành, luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác và có nhiều tác phẩm chất lượng. Để tôn vinh, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá, định kỳ 5 năm tỉnh còn tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin, đã có 3 đợt xét tặng.
Triển khai thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược ngoại giao Văn hóa của tỉnh đến năm 2020. Tỉnh đã cử nghệ nhân tham gia biểu diễn nhân các sự kiện ngoại giao với các địa phương của nước ngoài có quan hệ ngoại giao với tỉnh và đón nhiều đoàn nghệ thuật các nước đến giao lưu như: Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Romani…; tăng cường thông tin, hình ảnh đặc sắc quảng bá về tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm hướng dẫn báo chí nước ngoài của Bộ Ngoại giao; đón tiếp các phóng viên nước ngoài đến đưa tin phản ánh về nếp sống sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh; triển khai hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học, dự án trên lĩnh vực văn hóa.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 61 di tích, trong đó có 32 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh) và 29 di tích tiềm năng; có 7 di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Các di tích lịch sử là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục văn hóa, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật nhiều di chỉ khảo cổ của người tiền sử, thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Đặc biệt, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm/lần với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt của địa phương góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giới thiệu hình ảnh, thu hút các nhà đầu tư vào Đắk Lắk, thúc đẩy phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều cơ quan đại diện báo, đài của Trung ương, báo ngành đóng chân trên địa bàn bên cạnh các cơ quan báo chí của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác cung cấp thông tin; tổ chức tốt hội nghị giao ban báo chí, họp báo định kỳ, kịp thời tổ chức họp báo đột xuất khi trên địa bàn xảy ra các vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận.
CẦN PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU, còn chậm, chưa đúng mức, chưa thường xuyên; chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân; các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống bước đầu được phục dựng để phục vụ du lịch nhưng hiệu quả chưa cao; các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
|
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Báo chí Xuất bản,
Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tuệ Bùi)
|
Hoạt động văn học, nghệ thuật chưa có nhiều tác phẩm lớn có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn hóa, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sỹ; công tác hỗ trợ đào tạo tài năng, chế độ chính sách đối với diễn viên, vận động viên còn thấp; đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hóa chuyên sâu còn mỏng.
Phong trào xây dựng thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa, việc công nhận gia đình văn hóa chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức. Việc thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển văn hóa còn hạn chế. Công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển mạnh, quy mô còn nhỏ, lẻ. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch chưa phong phú, đa dạng…
NHÂN DÂN LÀ CHỦ THỂ TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân. Từ đó tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cụ thể hóa triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết hàng năm.
Việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW phải gắn liền với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), sẽ góp phần đưa việc thực hiện Nghị quyết đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Nhân dân là chủ thể trong việc phát triển văn hóa và xây dựng con người. Chính vì vậy, cần tập trung chỉ đạo hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa, phát triển đời sống văn hóa tinh thần thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
GẮN LIỀN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 33 VỚI CHỈ THỊ 05 VỀ ĐẨY MẠNH HỌC VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng biểu dương những kết quả đã đạt được qua 5 năm sơ kết việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 33 của tỉnh Đắk Lắk.
Trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị, các cấp ủy chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần gắn liền giữa việc thực hiện Nghị quyết 33 với đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", việc xây dựng văn hóa trong trường học, thôn bản…gắn liền vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội thực hiện đồng bộ, thống nhất thành những chương trình hành động cụ thể của tỉnh hằng năm.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần quan tâm với việc du canh du cư của bộ phận các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; việc giáo dục và xây dựng lối sống, đạo đức con người qua đó, giúp người dân miễn dịch với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vun đắp tình yêu thương đồng bào với nhau. Bên cạnh đó, các cấp ủy chính quyền tiếp tục quán triệt, đầu tư cho văn hóa, đầu tư cho con người song song với phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai mạnh mẽ, tích cực Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự đồng bộ về môi trường văn hóa, môi trường giáo dục, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên./.
Tuệ Minh