Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 12/7/2014 14:40'(GMT+7)

Gặp chuyên viên quân sự của đoàn Việt Nam ở Hội nghị Geneva

Nhà ngoại giao lão thành, chuyên viên quân sự Hà Văn Lâu. (Ảnh: Vietnam+)

Nhà ngoại giao lão thành, chuyên viên quân sự Hà Văn Lâu. (Ảnh: Vietnam+)

"Nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" là cụm từ được nhà ngoại giao lão thành, Đại tá Hà Văn Lâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về những kỷ niệm tham gia đàm phán Hiệp định Geneva vào một ngày đầu tháng Bảy trong căn nhà nhỏ ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, đúng 60 năm sau khi Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết.

Từ mặt trận quân sự đến mặt trận ngoại giao


Ở tuổi 97, nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu, được nhiều người biết đến với tên thân mật Sáu Lâu, vẫn minh mẫn và nhớ rất rõ những diễn biến liên quan đến Hội nghị Geneva bàn về việc chấm dứt chiến sự tại Việt Nam. Cách đây đúng 60 năm, giữa lúc quân và dân ta gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quyết định giữ lại Hà Văn Lâu để tham gia Đoàn đại biểu chuẩn bị cho Hội nghị Geneva. Ông Hà Văn Lâu được phân công vào nhóm quân sự cùng với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu chuẩn bị nghiên cứu các phương án đấu tranh về quân sự để chấm dứt chiến tranh.

Chậm rãi kể về những ngày đầu được điều động tham gia Đoàn đám phán tại Hội nghị Geneva, ông Sáu Lâu, nhớ lại: "Đoàn ta đến Thụy Sĩ ngày 4/5/1954 giữa lúc Hội nghị Geneva bàn về Triều Tiên đang họp. Đoàn ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi Geneva bằng tàu hỏa, qua Bắc Kinh và Moskva từ tháng 3/1954, lúc này ta chưa nhận được lời mời chính thức của hội nghị.

Tình hình những ngày này vô cùng khẩn trương. Trên chiến trường, quân ta đẩy mạnh tấn công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại Geneva, Đoàn ta vừa chuẩn bị nội dung đấu tranh trong đàm phán; dự kiến các tình huống xấu và lập phương án đặt ra trên bàn hội nghị, vừa chờ lời mời chính thức của hội nghị do Liên Xô và Anh làm chủ tọa. Chỉ một ngày trước khi hội nghị khai mạc về vấn đề Việt Nam, Đoàn ta mới có lời mời chính thức tham gia hội nghị vào chiều ngày 8/5/1954."

Đại tá Hà Văn Lâu nhớ lại những ngày đầu bước vào bàn đàm phán ở Geneva: "Là chuyên viên quân sự của đoàn, tôi và đồng chí Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu phương án quân sự của hội nghị, đó là việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngừng bắn, chuyển quân, Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Tâm trạng tôi lúc này rất lo lắng vì công tác mới quá, ta cũng chưa có nhiều tin tức."

Ngày 7/5/1954, ở trong nước, quân và dân ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, gây chấn động địa cầu. Nhớ lại về thời khắc này, Đại tá Hà Văn Lâu, cho biết Đoàn ta nghe tin đài phương Tây về chiến thắng Điện Biên Phủ trước khi nhận được thông tin trong nước. Không thể diễn tả hết được sự vui mừng của Đoàn ta. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng ôm chầm lấy mọi người. Tất cả các thành viên trong đoàn đã thức trắng đêm để chuẩn bị thêm về kế hoạch cho cuộc họp vào sáng hôm sau. Chiến thắng này đã làm cho vị thế của Đoàn ta bước vào hội nghị được nâng lên.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ cực kỳ to lớn, sẽ tác động mạnh đến cuộc đấu tranh ngoại giao ở Geneva. Vì vậy, hôm nay ta đến Hội nghị trong tư thế của người chiến thắng. Tuy vậy, thái độ của ta là tự hào nhưng phải đúng đắn, ôn tồn, khiêm tốn; đừng để người ta hiểu nhầm là ta huênh hoang, tự cao, tự đại...", ông Hà Văn Lâu nhớ lại lời căn dặn của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng trước khi bước vào Hội nghị Geneva.

Đến 16 giờ 30 ngày 8/5/1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương bắt đầu khai mạc. Cũng từ giờ phút này, người lính Cụ Hồ - Hà Văn Lâu bắt đầu dấn thân vào một mặt trận mới cũng vô cùng khó khăn, khốc liệt, gian nan không kém so với trên chiến trường. Đó là mặt trận ngoại giao đòi quân xâm lược chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Kiên định lập trường độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

"Hội nghị bàn những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của dân tộc ta và khu vực. Trước và trong hội nghị phải làm sao để hiểu rõ chủ trương của ta ở trong nước và nắm vững thủ đoạn, âm mưu của đối phương, của Pháp và các nước phương Tây. Trước những cuộc gặp đối phương để bàn về những vấn đề quân sự, tôi phải nắm vững yêu cầu của ta và cố tìm hiểu ý đồ của đối phương," chuyên viên quân sự Hà Văn Lâu chia sẻ.

Nhắc lại những giờ phút đàm phán căng thẳng nhất mà mình trực tiếp tham gia cách đây hơn 60 năm, ông Hà Văn Lâu, cho biết: "Khi đàm phán về quân sự, đồng chí Tạ Quang Bửu và tôi đã gặp riêng nhiều lần với Đoàn quân sự của Pháp gồm thiếu tướng Delteil và Đại tá De Brebisson. Vấn đề quan trọng nhất là vĩ tuyến chia đất nước cho quân đội hai bên tập kết. Chúng ta kiên trì với đối phương đòi vĩ tuyến càng về phía Nam càng tốt. Lúc đầu ta đòi vĩ tuyến 13 ngang qua Quy Nhơn vì ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là vùng tự do của Liên khu 5, trừ thành phố Đà Nẵng. Pháp đòi vĩ tuyến 18 tức là sông Giang tại Đồng Hới. Mãi đến ngày 10/7/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra với Mendes France vĩ tuyến 16 nhưng Pháp vẫn khăng khăng đòi vĩ tuyến 18. Đến ngày 19/7/1954, một ngày trước khi hội nghị kết thúc, ba đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam nhất trí chọn vĩ tuyến 16 nhưng đối phương vẫn đòi vĩ tuyến 18. Cuối cùng hội nghị thống nhất lấy vĩ tuyến 17 tức sông Bến Hải phía Bắc tỉnh Quảng Trị."

Lật giở từng trang tư liệu mà mình còn lưu giữ, ông Sáu Lâu, chia sẻ: "Khó khăn của ta khi bước vào tham gia hội nghị này không được độc lập tự chủ như với Hội nghị Paris sau này. Ta dựa nhiều vào tin tức của Liên Xô và Trung Quốc, thậm chí với Pháp là đối tượng chính mà chỉ đến gần 2 tháng sau, đồng chí Phạm Văn Đồng mới gặp Mendes France, sau khi Chính phủ Laniel Bidault bị lật đổ. Tuy nhiên, mục tiêu của ta khi tham gia Hội nghị Geneva là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ cở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia."

Không khí trong bàn đàm phán tại Geneva vô cùng căng thẳng, ta phải tranh thủ mọi phương pháp để đấu tranh với kẻ thù. Theo đại tá Hà Văn Lâu, cùng với đường lối của Đảng, ta cũng phải tranh thủ dư luận quốc tế. Vì vậy, ta rất coi trọng mặt trận dư luận, báo chí và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là nhân dân Pháp. Do đó, ta tranh thủ được bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của ta tại hội nghị bằng nhiều cách, gửi điện cho hội nghị, có nơi biểu tình ủng hộ lập trường của ta, đưa tin trên báo chí thế giới, cử đại diện đến gặp Đoàn ta để đưa kiến nghị… Hàng loạt các nước công nhận ta có địa vị trên trường quốc tế.

Với chiến thắng ở chiến trường cùng với sự khôn khéo, giữ vững nguyên tắc "độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của ta khi đàm phán, sau hơn 2 tháng đấu tranh, mọi gay cấn tranh chấp đã được giải tỏa buộc đối phương phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định. Tuy nhiên, có một sự cố xảy ra ở phút 89 được Đoàn ta phát hiện kịp thời. Đó là bản dịch tiếng Việt không khớp với bản tiếng Pháp, phải chữa lại cho đến 2 giờ 45 phút sáng 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam mới được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Tạ Quang Bửu và đại diện Chính phủ Pháp - Thiếu tướng Đentây.

"Hiệp định được ghi ngày 20/7 để cho đúng thời hạn 1 tháng mà Măngđét hứa hẹn trước đó", đại tá Hà Văn Lâu giải thích.

Đánh giá về ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Geneva, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu, khẳng định đây là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh sau đó, để củng cố miền Bắc, tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng ở miền Nam, thống nhất đất nước. Hiệp định đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng.

Từ những câu chuyện về Hiệp định Geneva, cuộc trò chuyện giữa nhà ngoại giao lão thành, đại tá Hà Văn Lâu với chúng tôi cũng chuyển sang những vấn hiện tại, thời sự trên Biển Đông. Ông cho biết hàng ngày mình vẫn theo dõi tình hình Biển Đông qua báo chí (thính giác của ông bị giảm nên chủ yếu theo dõi thông tin qua sách báo) và nhấn mạnh: "Ta không thể chấp nhận và chịu khuất phục trước kiểu hành xử "lấy sức mạnh về mọi mặt của mình mà uy hiếp nước khác được. Với chính nghĩa chúng ta sẽ thắng lợi trên mọi mặt trận."

"Trong đấu tranh, ta phải kiên quyết giữ vững lập trường, đồng thời sách lược phải mềm dẻo," nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu chia sẻ về bài học kinh nghiệm được rút ra trong đấu tranh ngoại giao với các đối tượng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất