Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết Ngày 20 tháng 7 năm 1954, đây là một trong những thắng lợi vĩ đại của nền ngoại giao nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2014-2015 và ý kiến của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 8176 -CV/VPTW ngày 30/6/2014 của Văn phòng Trung ương Đảng về tên gọi Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (trong Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 25/12/213 của Bộ Chính trị tên gọi là Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương), Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao; từ đó tin tưởng, đoàn kết, kế thừa, phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hiện nay.
2. Tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp lớn lao của các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung; đồng thời thông qua tuyên truyền để tạo cơ hội củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới đất nước và cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
3. Công tác tuyên truyền kỷ niệm cần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan hữu quan; khách quan, bảo đảm đúng tầm mức của sự kiện, có sự kết nối chặt chẽ với việc tuyên truyền 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước năm 2014.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn tới Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương; quá trình chuẩn bị đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vai trò của các bên tham gia, thành phần tham dự và diễn biến Hội nghị.
2. Kết quả Hội nghị Giơ-ne-vơ, nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nguyên nhân và ý nghĩa của Hiệp định này đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và đối với các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
3. Những bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, các bài học kinh nghiệm này vẫn còn mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
4. Biểu dương những cống hiến, đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân đối với nền ngoại giao Việt Nam; chú trọng tôn vinh những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đã phục vụ cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt là các thành viên trong Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu; đồng thời tuyên truyền về sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
5. Đấu tranh, phản bác những quan điểm và hành vi sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong thời điểm đó; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước Việt Nam và những thành tựu của ngoại giao Việt Nam trong 60 năm qua, đặc biệt là trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
6. Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne- vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam diễn ra ở trong nước và quốc tế; phản ánh dư luận tích cực ở trong nước và quốc tế về sự kiện lịch sử này.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM
1. Các hoạt động kỷ niệm diễn ra ở trong nước
- Tổ chức Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia vào ngày 18/7/2014 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.
- Tổ chức Triển lãm ảnh và hiện vật Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức tại Nhà Truyền thống của Bộ Ngoại giao (56 Hoàng Diệu, Hà Nội).
- Xây dựng và phát sóng Phim tài liệu Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam trên Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh truyền hình ở Trung ương, địa phương do Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện.
- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam trong Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao và sinh viên Học viện Ngoại giao.
2. Các hoạt động kỷ niệm ở nước ngoài
Các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuỳ theo điều kiện sở tại tổ chức các hội thảo, toạ đàm, chiếu phim tài liệu Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn Hướng dẫn tuyên truyền; chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng Tài liệu tuyên truyền; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền trong Đảng, trong xã hội và thông tin ra nước ngoài về kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí đưa tin, tuyên truyền về sự kiện lịch sử và các hoạt động kỷ niệm; tổ chức cấp phép và phát hành những sách, tài liệu và ẩn phẩm tuyên truyền Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; đồng thời kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những sách, tài liệu và ẩn phẩm tuyên truyền sai, thông tin không khách quan về sự kiện lịch sử cũng như nội dung Hiệp định.
3. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức tốt việc thông tin, cổ động trực quan trên địa bàn.
4. Bộ Ngoại giao hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin về Lễ Kỷ niệm và các hoạt động kỷ niệm; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sự kiện.
5. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của địa phương, của ngành tuyên truyền theo đúng Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Nắm diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước, trong và sau Lễ kỷ niệm để báo cáo với cấp ủy kịp thời định hướng dư luận và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
6. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương
Căn cứ hướng dẫn, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trước và sau khi diễn ra Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia khoảng một tuần.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm duyệt tin, bài và phóng sự, không để xảy ra hiện tượng thông tin sai, gây bất lợi trong quan hệ đối ngoại; chú trọng chỉ đạo phóng viên khai thác những thông tin có lợi cho cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức phát thanh trực tiếp Lễ Kỷ niệm.
Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng và phát sóng phim tài liệu Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, đồng thời tổ chức đưa tin về các hoạt động kỷ niệm.
V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Nhiệt liệt chào mừng 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20/7/1954 - 20/7/2014)!
2. Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - một thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam !
3. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
4. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
TG