Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 18/6/2010 20:53'(GMT+7)

Gặp khó vì “hai không”

Theo ước tính của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do những hạn chế về điều kiện thu hái, bảo quản đã khiến cà phê Việt Nam giảm ít nhất 10% về giá trị. Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD, mỗi năm ngành cà phê nước ta thiệt hại ít nhất 170 triệu USD (khoảng trên 3.000 tỷ đồng).

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo), về xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới, khối lượng cà phê hữu cơ và cà phê có chứng nhận xuất xứ đã tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, việc tiêu dùng cà phê thông thường (fairtrade) đã giảm mạnh từ 31% xuống còn 23%. Còn theo số liệu của Tổ chức Rainforest Alliance, giai đoạn 2003-2009, tiêu dùng cà phê có chứng chỉ RFA đã tăng hơn 10 lần và đạt 87.583 tấn trong năm 2009.

Ở nước ta, sản xuất cà phê theo hướng bền vững đã được khuyến khích từ nhiều năm trước. Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (4C) đã được giới thiệu và đưa vào áp dụng ở Việt Nam từ năm 2006. Đến nay đã có 133 thành viên, từ người trồng cà phê đến các công ty kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê tham gia 4C. Tổ chức Rainforest Alliance cũng đã có văn phòng đại diện và hiện đang xúc tiến một số hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên kết quả mới chỉ dừng lại ở “mô hình trình diễn”. Mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích vườn cà phê thực hiện theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng, nhưng qua trao đổi với lãnh đạo các đơn vị tham gia chương trình, diện tích áp dụng các quy trình này chưa lớn và sản lượng cũng rất nhỏ.

Theo ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển của Agroninfo, nguyên nhân của tình trạng này là: Về mặt quản lý Nhà nước, tuy ủng hộ và khuyến khích việc đưa các quy trình này vào áp dụng, nhưng với ngân sách hạn chế nên hoạt động này chưa được lồng ghép với các hoạt động khuyến nông. Các doanh nghiệp do năng lực tài chính còn hạn chế nên chỉ triển khai dự án trên phạm vi nhỏ. Hoạt động của các dự án này chủ yếu dưới dạng tập huấn và phổ biến thông tin.

Đối với người trồng cà phê, chênh lệch giá thu mua cà phê nhân sản xuất theo quy trình và theo chăm sóc truyền thống trên thị trường tự do không lớn, nên chưa tạo được động lực để họ thay đổi nhận thức và hành động. Một nguyên nhân nữa là việc cải tiến quy chuẩn chất lượng cà phê diễn ra chậm, nỗ lực đưa tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam (TCVN 4193: 2005) ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế chưa được các doanh nghiệp đón nhận.

Thời gian tới, chắc chắn hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ bất lợi hơn về giá và thị trường, nếu các hộ tiêu thụ cà phê chính như Mỹ, EU chuyển sang tiêu thụ cà phê đặc sản và cà phê có chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam còn có thể gặp phải các rào cản kỹ thuật trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi thâm nhập các thị trường Mỹ và EU.

Nâng cao chất lượng cà phê không phải là việc một sớm một chiều. “Để đạt được các chứng chỉ UTZ hay RFA của Tổ chức Rainforest Alliance cũng phải mất hàng năm”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định. Do đó, trước mắt, các cơ quan chức năng cần xem xét và điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cà phê cho phù hợp với tiêu chuẩn thế giới. Đây chính là biện pháp quản lý chất lượng đầu ra sản phẩm và làm tăng uy tín sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về phía Hiệp hội, cần xây dựng Chương trình thương hiệu cà phê Việt Nam để đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới còn cho thấy, để nâng cao chất lượng sản phẩm chương trình này phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ người sản xuất đến khâu chế biến. Theo đó, sản phẩm cà phê ngoài tên thương hiệu còn có các thông số cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua phần mềm máy tính./.

Y Nhung - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất