Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 14/6/2010 16:29'(GMT+7)

Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản

Gió đổi chiều

Vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ bắt đầu vào ngày 20.4 với vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngoài khơi bang Louisiana. Một trong những hệ quả của sự cố nghiêm trọng này là giá cả các loại thực phẩm liên quan đến tôm tại các khách sạn, nhà hàng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ đã leo thang do giá tôm tăng mạnh sau vụ tràn dầu.

Theo Tập đoàn Urner Barry, cơ quan chuyên về nghiên cứu giá thực phẩm, giá tôm sản xuất trong nước tại Mỹ đã tăng hơn 40%, lên tới 6,2 USD/pound (1 pound = 0,454 kg), kể từ vụ tràn dầu nói trên. Các công ty thực phẩm và các nhà hàng đang tích cực đẩy mạnh thu mua tôm để tích trữ vì lo ngại giá cả sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện Mỹ là nước tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tôm, cua lớn nhất thế giới. Mức tiêu thụ bình quân đầu người hằng năm tại Mỹ tăng từ 0,64 kg năm 1980 tăng lên 1,86 kg năm 2008. Ngoài khai thác nội địa, Mỹ nhập khẩu phần lớn lượng tôm tiêu thụ trong nước từ khu vực vịnh Mexico, rồi các quốc gia như: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia...

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vụ tràn dầu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá tôm thế giới tăng mạnh. Sản xuất tôm toàn cầu đã giảm mạnh hồi năm ngoái do dịch bệnh tại châu Á và thời tiết xấu ở nhiều khu vực trên thế giới. Giá tôm tại Mỹ trên thực tế đã tăng 15% tính từ đầu năm tới ngày 20.4 vừa qua. Giá tôm tại Nhật Bản cũng tăng 18% kể từ đầu năm.

Cơ hội cho VN      

Đồng euro giảm giá đồng nghĩa với việc hàng xuất khẩu vào EU trở nên đắt đỏ hơn dù giá bán bằng USD không đổi. Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu của EU đã yêu cầu nhà xuất khẩu giảm giá bán, nếu không họ sẽ ngưng mua hàng. Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp cần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên như Bulgaria, Romania, Czech, Trung Đông, Trung Quốc...

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2010 đã đạt 1,62 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó xuất khẩu tôm đông lạnh đã tăng 29,5% so với cùng kỳ, đặc biệt tại các thị trường EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... Mặt hàng cá tra, basa mặc dù bị thiệt hại do đồng euro mất giá so với đồng USD nhưng cũng có mức tăng trưởng 12,3%. Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu cá tra và tôm lớn thứ 2 của VN.

Từ đầu năm đến nay cá tra VN xuất khẩu sang Mỹ đã đạt trên 13.000 tấn, trị giá 40 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của VN sang Mỹ và Canada cũng đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng về lượng, giá xuất khẩu tại các thị trường này đang ngày càng hấp dẫn với mức giá trung bình khoảng 3,83 USD/kg.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, nhận định: “Trong khi thị trường Nga đang hồi phục mạnh mẽ sau các cải tổ về xuất khẩu và thủ tục thanh toán, thì nhu cầu của thị trường Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên sau sự cố tràn dầu làm giảm sản lượng khai thác thủy sản nội địa. Ngoài các thị trường truyền thống, dự báo xuất khẩu sang các nước châu Mỹ sẽ tăng cao trong năm 2010. Bên cạnh đó Bắc Phi, Trung Đông cũng là những thị trường đầy tiềm năng. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng hiện nay thì việc đạt mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ USD là hoàn toàn lạc quan”.

Hiện giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã tăng cao. Tại Cà Mau, tôm sú nguyên liệu loại

20 con/kg giá 180.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 140.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giá 118.000 đồng/kg, trong khi tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 54.000 đồng/kg. Một số nơi khác giá tôm thẻ đã tăng lên mức 58.000 đồng/kg, tăng gần 50% so với năm ngoái./.

Theo Thanh Niên Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất