(TCTG) - Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp VHNT Việt Nam và các đồng chí trong Đoàn chủ tịch cùng với hơn 50 văn nghệ sĩ lão thành đã ôn lại chặng đường hơn 60 năm hào hùng của dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, trong đó có những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng ngày 26 tháng 8 năm 2011, tại hội trường Liên hiệp VHNT Việt Nam, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch UBTQ Liên hiệp VHNT Việt Nam đã gặp mặt văn nghệ sĩ lão thành, có nhiều cống hiến đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đến dự cuộc gặp mặt thân mật này có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW, đại diện Ban Tổ chức TW cùng nhiều các cơ quan báo chí TW và Hà Nội.
Từ trước năm 1945, nhiều văn nghệ sĩ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Văn Cao, Huy Cận...nghe theo tiếng gọi của Đảng đã tham gia vào Hội văn hóa cứu quốc. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám (1945), hàng trăm văn nghệ sĩ cùng với nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Và khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra ở Nam bộ, chính họ đã trở thành những người lính vệ quốc đoàn có mặt trong đội quân Nam tiến. Trong cuộc chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã có không ít văn nghệ sĩ hi sinh như Nam Cao, Trần Đăng, Hoàng Việt, Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố...Hơn 20 năm dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với hàng triệu những người lính ra trận đã có hàng trăm văn nghệ sĩ thuộc các binh chủng văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, múa...trở thành những người nghệ sĩ - chiến sĩ, trực tiếp cầm súng trên tuyến đầu diệt Mỹ. Đã có không ít văn nghệ sĩ hi sinh trên mặt trận như một người anh hùng. Đó là Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong. Dương Thị Xuân Quí, Hoàng Việt...
Đ/c Vũ Ngọc Hoảng, Ủy viên TW Đảng trò chuyện cùng các văn nghệ sĩ
Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều nhà thơ như Hoàng Minh Châu, Nguyễn Chí Trung đã nhắc lại kỉ niệm với các nhà văn lớp trước cùng với những bài học sâu sắc trong quá trình hoạt động văn học nghệ thuật của mình. Thay mặt Thường trực đoàn Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh đã báo cáo lại kết quả hoạt động của Liên hiệp VHNT Việt Nam trong năm 2011, góp phần đưa NQ 23 của Bộ Chính trị và NQ XI của Đảng về VHNT đi vào đời sống. Một số các chính sách của Đảng và nhà nước về VHNT đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, góp phần tạo một động lực tinh thần và vật chất, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước phấn khởi thực hiện nhiệm vụ VHNT năm 2011.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, thay mặt cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỏ lòng biết ơn với đội ngũ văn nghệ sĩ lão thành, bằng sức lực, trí tuệ sáng tạo, cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa, VHNT Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông