Trong buổi tiếp đoàn đại biểu nữ cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong tiêu biểu toàn quốc về thăm và làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch vừa qua, tôi đã có may mắn được gặp và chuyện trò với chị Hồ Thị Thừa - một trong số 11 nữ tự vệ thành phố Huế năm xưa đã được Bác Hồ viết thơ tặng.
Câu chuyện đã cách đây 40 năm về trước, vào tháng 2 năm 1968, được tin 11 nữ tự vệ thành phố Huế đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu giải phóng thành phố, Bác Hồ đã khen tặng bốn câu thơ :
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường / Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường. / Bác khen các cháu dân quân gái, / Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.” (Thơ tặng 11 cô gái Sông Hương) (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr 334, NXBCTQG, H.1996).
Đã gần một phần hai thế kỷ trôi qua, giờ đây chị đã ngoài 60 tuổi, mái tóc pha sương, nhỏ người nhưng nhanh nhẹn và hoạt bát. Ký ức của lần gặp Bác Hồ ngày nào vẫn còn như nguyên vẹn trong chị. Khi được hỏi về kỷ niệm lần đầu tiên gặp Bác Hồ, chị bồi hồi xúc động kể lại từng chi tiết, rõ ràng, rành mạch như mới được gặp Bác ngày hôm qua.
Chị nói: “Trong đời tôi 2 lần được ra Bắc. Lần đầu tiên là năm 1968 và đây là lần thứ hai. Lần đầu tiên ra Bắc được gặp Bác và được ăn cơm cùng Bác, nhưng lần này ra Bác không còn nữa. Nhìn lại căn phòng nơi tôi được ăn cơm cùng Bác mà thấy nhớ thương Bác quá”. Chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Trấn tĩnh một lúc chị kể tiếp:
Tôi vẫn nhớ hôm đó là ngày tháng 9 năm 1968, tiết trời bắt đầu vào thu, có một đồng chí cán bộ đến gặp tôi và nói:
- Chú đến mời cháu đi công tác.
- Cháu có biết chữ đâu mà đi công tác ạ?
- Cháu cứ đi rồi sẽ biết.
Tôi theo đồng chí cán bộ ra xe ôtô. Đến gần xe tôi thốt lên: “Bác Tôn Đức Thắng!”. Tôi chưa kịp chào thì Bác Tôn đã hỏi:
- Các cháu có muốn đến thăm Bác Hồ không?
- Dạ thưa Bác, có ạ.
Cùng đi với tôi hôm đó còn có Nguyễn Thị Thanh Nga (17 tuổi, cùng quê). Chiếc xe đưa chúng tôi tới khu Phủ Chủ tịch. Bác cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chờ chúng tôi trong căn nhà nhỏ sát bờ ao. Gặp Bác, chúng tôi không nén nổi cảm xúc chạy tới ôm chầm lấy Bác oà khóc. Bác vỗ nhẹ vào lưng chúng tôi và ôn tồn nói: Các cháu nín đi, ngồi xuống đây nói chuyện cho các Bác nghe nào.
Bác hỏi về gia đình, về tình hình chiến đấu của nhân dân nội thành Huế, về “tiểu đội thép”- đội biệt động thành phố Huế. Tôi báo cáo với Bác về tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng bào Huế, đặc biệt là thành tích của “tiểu đội thép” chúng tôi.
Chiến dịch Mậu Thân năm ấy, tiểu đội của tôi được giao nhiệm vụ chặn đánh địch tại cầu Vân Dương, ngoại thành Huế. Suốt 24 đêm dũng cảm chiến đấu liên tục, tiểu đội của tôi đã phá huỷ 5 xe bọc thép, tiêu diệt 120 tên Mỹ-ngụy... Sau thất bại nặng nề này, Mỹ-ngụy ráo riết lùng sục bắt bớ và chẳng may tôi bị bắt. Trước khi bị bắt tôi nghĩ: nếu số tài liệu mật rơi vào tay giặc thì hậu quả khôn lường, cần phải huỷ số tài liệu này, trước sau thì cũng chết thế nên mặc dù không biết bơi nhưng tôi vẫn nhảy xuống sông và kịp thời vùi tài liệu mật xuống bùn. Chúng lùng sục bắt tôi bằng được. Chúng nhốt tôi vào khám và tra tấn lấy cung. Chúng đóng đinh vào chân, thả rắn vào quần, đập đầu vào tường đóng đinh... mỗi lần tra tấn như vậy tôi cứ chết đi sống lại nhưng quyết không khai. Sau 3 tháng dùng nhiều thủ đoạn, tra tấn cực hình không đạt kết quả, địch buộc phải trả tự do cho tôi. Khi tôi kể đến đây, Bác hỏi:
- Cháu nhỏ như vậy sao lại gan dạ đến thế?
- Bởi vì cháu căm thù giặc Pháp, Mỹ. Chúng đã giết hai gia đình cháu và đồng bào. Cháu phải trả thù cho gia đình và đồng bào.
Sau khi được thả tự do nhưng kẻ địch vẫn luôn theo dõi. Để đảm bảo an toàn và có điều kiện hồi phục sức khoẻ, tôi đã được bí mật đưa ra miền Bắc.
Bữa cơm hôm Bác tiếp chúng tôi có thịt lợn luộc, cá rô chiên, rau cải xào thịt và canh bún tàu. Bác gắp thức ăn cho từng người và giục chúng tôi ăn cho nóng, ăn nhiều cho khoẻ. Đang ăn, Bác hỏi:
- Bác cho các cháu ăn còn thiếu món gì không? Hiểu ý Bác, tôi liền thưa:
- Dạ thưa Bác, món mắm ruốc ạ.
- Đúng rồi, còn thiếu món mắm ruốc Huế. Khi còn ở Huế Bác hay ăn mắm ruốc, tôm chua, dưa cà... Đến bây giờ Bác vẫn không quên hương vị của những món ăn ấy.
Ăn cơm xong, chúng tôi còn được xem phim cùng Bác. Trước khi ra về, Bác còn căn dặn chúng tôi là phải yên tâm chữa bệnh cho khoẻ để còn học văn hoá sau này trở về xây dựng quê hương.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong niềm vui vô hạn, gia đình tôi đã trở về thành phố Huế công tác. Khi về hưu, cả gia đình chuyển lên Pleiku sinh sống. Dù ở đâu hay bất cứ làm việc gì tôi luôn nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ.
DT- theo Cù Thị Minh, Khu Di tích Chủ tịch HCM tại Phủ Chủ tịch (Báo Văn hoá)