Thứ Sáu, 29/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 29/10/2008 9:34'(GMT+7)

Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Ninh làm theo gương Bác

Ông Mách Ta Rét (bên phải) tại Hội nghị Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc.

Ông Mách Ta Rét (bên phải) tại Hội nghị Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc.

Những ngày giữa tháng 10-2008, chúng tôi đến huyện Tân Châu và được chứng kiến những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm và Stiêng. Xã Tân Đông hiện có 382 hộ với 1.988 đồng bào dân tộc Khmer đang làm ăn sinh sống chủ yếu ở các ấp Kà Ốt, Suối Dầm, Tầm Phô. Thời gian qua, Đảng uỷ, chính quyền xã đã tổ chức 3 cuộc tuyên truyền vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ với sự tham dự của 312 đồng bào dân tộc. Đặc biệt, toàn bộ tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động được dịch sang tiếng Khmer nên bà con dân tộc dễ đọc, dễ hiểu.

Ở ấp Kà Ốt, tìm hiểu thực tế. chúng tôi cảm nhận được rõ ràng Cuộc vận động đã "thấm" vào từng gia đình, từng người dân ở đây. Anh Danh Ngát tâm sự: "Gia đình tôi làm ăn sinh sống ở đây bao đời nay, gần đây tôi thấy rất rõ sự chuyển biến từ Cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác. Ví dụ như trước đây chúng tôi chỉ biết trồng lúa bằng nước trời, sau khi thu hoạch xong thì nghỉ, chờ đến năm sau mưa xuống mới trồng tiếp. Hiện nay thì bà con đều biết chịu khó làm ăn, sau vụ lúa thì chuyển sang cây khoai mì, những vùng đất cao mà năng suất lúa thấp thì chuyển sang trồng mía, cao su. Những khoảnh đất nhỏ hẹp thì trồng cỏ cho bò ăn, không ai bỏ đất hoang. Phong tục tâp quán có tiến bộ văn minh. Trước đây, ai cũng làm đám cưới rình rang đãi ăn đãi uống suốt ba ngày ba đêm, bây giờ chỉ gói gọn lại một ngày một đêm, nhưng vẫn giữ đầy đủ các lễ nghi truyền thống. Bản thân tôi đã được đi Nghệ An thăm quê Bác, đến Hà Nội thăm nhà sàn và nơi ở, nơi làm việc của Người, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Qua chuyến đi ấy, tôi rất xúc động khi thấy một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà sống bình dị quá, khiến tôi thấy gia đình mình cần phải cần kiệm hơn nữa, không để lãng phí bất kỳ thứ gì".

Nhận xét về chuyển biến của đồng bào dân tộc, ông Đoàn Xuân Trường, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của xã cho biết: "Sau hai năm học tập theo gương Bác, bà con dân tộc đã biết cần cù, tiết kiệm, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hai năm gần đây không còn xảy ra tình trạng thưa kiện. Cuộc sống có nhiều chuyển biến, bà con không còn độc canh cây lúa mà biết chuyển đổi sang trồng xen canh cây nông nghiệp, công nghiệp khác". Nói về phương hướng sắp tới, ông Trường cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thực sự trong tất cả các tầng lớp nhân dân".

Cũng giống như đồng bào dân tộc Khmer ở Tân Đông, bà con dân tộc Chăm ở ấp Chăm, xã Suối Dây, nơi có hơn 300 hộ với hơn 1.000 người Chăm đang sinh sống, sự chuyển biến trong cách nghĩ và nếp sinh hoạt của bà con cũng thể hiện rất rõ nét sau hai năm thực hiện Cuộc vận động. Ông Đinh Văn Hoành, Bí thư Đảng uỷ xã Suối Dây cho biết: "Sau khi tuyên truyền vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng uỷ xã đã tổ chức cuộc thi viết và kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên trong ấp tham gia. Qua đó nhận thức về đất nước, về Đảng, Bác Hồ kính yêu trong đồng bào nói chung, trong người dân ấp Chăm nói riêng được nâng cao. Người dân cần cù làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó có người cao tuổi làm kinh tế giỏi được bình chọn tham dự hội nghị Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ 2.2008 ở Hà Nội. Những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần người dân cũng được nâng lên một bước. Các lễ, tết tổ chức lành mạnh, đảm bảo theo quy định mới, không còn rườm rà với những hủ tục lạc hậu. Phong trào thi đua yêu nước trong ấp dâng cao, phong trào giúp đỡ hộ nghèo phát triển và tất cả con em người Chăm đều được đến trường. Trong đó có 3 em đang học đại học, vài chục em đang học cấp 2 cấp 3".

Là một trong hai người cao tuổi của tỉnh vừa dự Hội nghị Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc trở về với tấm bằng khen do Bộ trưởng-Chủ nhiệm UBDT Việt Nam-Giàng Seo Phử ký tặng vì có thành tích xuất sắc trong công cuộc xoá đói giảm nghèo ở miền núi và dân tộc, ông Mách Ta Rét vui vẻ kể, ông quê ở An Giang, năm 1996 chuyển về Tây Ninh sinh sống. Đầu tiên ông chỉ có một ít đất trồng khoai mì, sau đó dành dụm sang nhượng thêm đất trồng xoài, trồng mía, cao su và nuôi bò sinh sản. Không chỉ lo làm giàu cho bản thân mình, ông còn vận động bà con phá vườn tạp trồng cao su và chuyển từ một vụ sang hai vụ lúa/năm. Hiện nay, đồng bào trong ấp Chăm đã có 27,5 ha cao su và lúa hai vụ đạt năng suất cao. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, ông Mách Ta Rét vận động các mạnh thường quân xây 1 căn nhà tình thương, 3 nhà đại đoàn kết, khoan 3 cái giếng, mua 10 mô tơ, mua 1,5 tấn gạo, mua 1.000 quyển tập, tặng cho học sinh và gia đình nghèo. Bản thân ông cũng cho bà con mượn bò nuôi, và mở lớp học tình thương dạy cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nói về việc học tập và làm theo gương Bác, ông Mách Ta Rét tâm sự: "Thật ra, những năm trước đây, những việc tôi làm được đều mang tính tự phát, theo suy nghĩ của bản thân. Đến khi được học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tôi mới nhận thấy những gì mình làm được không đáng là bao, cho nên tôi quyết học tập làm theo những điều Bác đã làm vì nước, vì dân". Hiện nay, ông Mách Ta Rét đang ấp ủ ước mơ thành lập câu lạc bộ người cao tuổi Chăm, trong đó có một ao cá, một miếng vườn để các cụ già chăm sóc, giải trí, nghỉ ngơi.

Đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Thành cũng không thua kém các dân tộc anh em khác. Với 102 gia đình với 553 nhân khẩu, bà con cũng đã đánh dấu sự chuyển biến của mình sau khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực. Chị Lâm Thị Mỹ Hà, ở ấp Tân Đông kể: "Trước đây, mỗi lần làm đám cưới, cô dâu chú rể phải bán trâu trả nợ vì tổ chức ăn uống hai ba ngày liên tục. Sau khi được học tập và làm theo gương Bác, dân tộc chúng tôi không còn lãng phí như trước. Đám cưới làm gọn trong một ngày, nhà nào nghèo thì bà con hàng xóm ráp lại nấu năm, mười mâm, ăn xong "cột chỉ tay" cho cô dâu chú rể là xong. Phong tục ngày lễ, tết cũng được gom gọn lại. Những năm trước, mỗi năm tổ chức 7 - 8 cái tết, nhưng hiện nay chỉ còn tổ chức hai cái tết chính là tết Tháng ba và Sen Đôn Ta". Điều đáng mừng là bà con dân tộc đã bắt đầu biết lo làm ăn và ý thức được chuyện học văn hoá. Như gia đình chị Lâm Thị Mỹ Hà, trước đây hai vợ chồng chị ra riêng chỉ có mấy cây rựa, cây cuốc, đến nay gia đình chị đã có được 12 ha đất trồng mì, trong đó có 5 ha trồng mì xen canh cây cao su và có máy cày riêng. Bản thân chị cũng vừa học xong trung cấp dược, chuẩn bị mở tiệm thuốc tây bán cho bà con dân tộc. Đứa con trai lớn của chị hiện là sinh viên năm thứ nhất Đại học Luật ở Thành phố, đứa con gái út đang học luyện thi ở Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Ông Đào Văn Chiến, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành cho biết: "Riêng đối với đồng bào dân tộc, chúng tôi đã tổ chức 4 cuộc tuyên truyền vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau khi học tập, bà con dân tộc tích cực làm theo ngay, cho nên cuộc sống hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Năm 2007, ấp Tân Đông, nơi có đông đồng bào dân tộc Stiêng sinh sống, đạt danh hiệu ấp Văn hoá và giữ được danh hiệu cho đến nay".../.
 
 Thảo Nguyên (Tây Ninh)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất