Đó là bác Phạm Ngọc Xương, 75 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, hiện ở thôn Nam Tiến, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Tư liệu về Bác Hồ được bác Phạm Ngọc Xương sưu tầm, sắp xếp, lưu giữ cẩn trọng và khoa học mà theo bác là xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng đối với lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc để từ đó bản thân nhập tâm về tư tưởng, đạo đức của Người và điều quan trọng là luôn soi mình, rèn luyện, phấn đấu làm theo tấm gương của Người trong quá trình công tác cũng như suốt cả cuộc đời.
Tuy tuổi cao nhưng bác Xương còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và cởi mở. Bác rất phấn chấn và say sưa khi giới thiệu với khách những tư liệu về Bác Hồ mà bác đã dày công sưu tầm trong suốt mấy chục năm qua. Đó là những tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện, thư, thơ, lời kêu gọi... kèm theo nhiều hình ảnh của Bác Hồ được bác Xương sắp xếp theo thứ tự thời gian và theo từng chủ đề gắn với những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến lúc qua đời. Trong đó, có những tư liệu từ Đại hội Tua ở Pháp năm 1920 đến sự kiện thành lập Đảng năm 1930, Cách mạng tháng Tám 1945...; Bác Hồ với Quân đội, Công an, Giáo dục, Y tế, Mặt trận, Phụ lão, Thiếu nhi; Bác Hồ nói về đạo đức cách mạng và về thực hành, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu; tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ; các bài thơ chúc Tết của Bác từ năm 1942 đến năm 1969. Đặc biệt, bác Xương đã sưu tầm được 79 bài hát ca ngợi Bác Hồ mà bác nghe nhiều lần rồi thuộc và nhớ cả tên tác giả, được sắp xếp theo thứ tự thời gian (bài thứ 79 là bài " Như có Bác trong ngày vui đại thắng " của Nhạc sĩ Phạm Tuyên). Theo bác Xương, ý thức sưu tầm tư liệu về Bác Hồ đã hình thành sớm trong bác khi còn đang công tác và đã giúp bác rất nhiều trong quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng và đến nay vẫn thanh thản vui hưởng tuổi già nơi quê nhà.
Tham gia cách mạng năm 1949 từ một đoàn viên Đoàn thanh niên cứu quốc xã, bác Xương đã trải qua nhiều vị trí công tác và trưởng thành từ cán bộ cấp xã đến cơ quan Trung ương. Bác đã từng làm Thư ký của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc, Bí thư Huyện uỷ Yên Thế, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Bắc. Ở cương vị công tác nào bác cũng hết lòng với công việc và luôn lấy tấm gương tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ để soi, răn mình, gương mẫu trong công tác và cuộc sống. Bác Xương tâm sự: Thời chúng tôi công tác điều kiện còn nhiều gian khổ lắm, lương thấp nhưng không ai nghĩ làm việc vì lương mà chỉ nghĩ làm sao cống hiến được nhiều cho đất nước. Khi tôi làm Bí thư Huyện uỷ mới 39 tuổi, nhiều đồng chí cấp dưới hơn tôi cả tuổi đời và tuổi Đảng nhưng tôi luôn phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến anh em nên tạo được sự ủng hộ, nhất trí và phát huy sức mạnh của tập thể để hoàn thành nhiệm vụ chung. Với người dân phải luôn khiêm tốn, sâu sát và gắn bó, "3 cùng" với họ, nhiều khi cũng đội nón ra đồng giúp dân. Lời dạy của Cụ Hồ sâu sắc lắm: " Chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta ".
Bác Xương còn sưu tầm, lưu giữ nhiều tư liệu về Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, pháp luật, lịch sử cách mạng nước ta và cùng với những tư liệu về Bác Hồ là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích với mong muốn của bác là để cho con cháu trong nhà, học sinh ở địa phương hay bất cứ ai có nhu cầu đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập. Từ khi nghỉ hưu năm 1994 đến nay, hằng ngày bác vẫn luôn quan tâm theo dõi các sự kiện thời sự của đất nước và tiếp tục sưu tầm, lưu giữ làm phong phú thêm nguồn tư liệu mà bác đã bỏ nhiều tâm sức mới có được./.
Như Kính-TTXVN